Bằng việc nhận thêm 2 tàu A350 (SLB) và 9 tàu A321-NEO thuê, trả sớm 4 tàu thuê ATR72 và 3 tàu thuê A330 đến hạn, tổng số tàu bay đến cuối năm 2018 của hãng sẽ lên đến là 98 tàu bay – tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô và chất lượng đội bay. |
Cụ thể, trong năm 2018, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 24,3 triệu lượt khách và 350.900 tấn hàng hóa, lần lượt tăng 10,9% và 8,2% so với kết quả thực hiện của năm 2017.
Tại thị trường quốc tế, Vietnam Airlines sẽ tăng trưởng tải khoảng 10%, duy trì thị phần và giữ vững vị thế tại các thị trường quốc tế đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Vietnam Airlines sẽ tiếp tục lộ trình đưa tàu thân rộng thế hệ mới vào các đường bay Châu Âu, Châu Úc, Đông Bắc Á; đồng thời mở đường bay mới Nha Trang - Seoul; Đà Nẵng - Busan, Đà Nẵng – Osaka.
Đối với thị trường trong nước, Vietnam Airlines sẽ tăng tải 10-12% so năm 2017 nhằm duy trì thị phần tải ở mức 42-43%, thị phần của Vietnam Airlines Group gồm cả JPA và VASCO sẽ duy trì ở mức 58-59%, trong đó tập trung tăng cường hiệu quả phối hợp giữa VNA và JPA trong chiến lược thương hiệu kép. Dự kiến hãng sẽ mở mới các đường bay Nha Trang - Phú Quốc, Sài Gòn - Chu Lai.
Trong năm 2018, Vietnam Airlines dự kiến khai thác trung bình 92,7 tàu bay. Bằng việc nhận thêm 2 tàu A350 (SLB) và 9 tàu A321-NEO thuê, trả sớm 4 tàu thuê ATR72 và 3 tàu thuê A330 đến hạn, tổng số tàu bay đến cuối năm 2018 của hãng sẽ lên đến là 98 tàu bay – tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô và chất lượng đội bay.
Với định hướng sản phẩm, dự báo tăng trưởng được đánh giá là khá sát với thị trường, Vietnam Airlines sẽ cán mốc doanh thu hợp nhất vào khoảng 97.073 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2017. Một điều đáng chú ý là doanh thu từ vận tải hàng không – lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của hãng dự báo sẽ sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái, ở mức 69.986 tỷ đồng.
Do năm 2018, thị trường hàng không trong nước và thế giới dự báo có những biến động bất lợi, trong đó giá nhiên liệu dự kiến tăng mạnh và duy trì ở mức cao (75-80 USD/thùng) tăng 15- 20% so năm 2017. Nhận định này là có cơ sở bởi trong quý I/2018, giá nhiên liệu đang giao dịch ở mức 80 USD/thùng, cao hơn 9,6% so với kế hoạch.
Dự kiến với giá nhiên liệu bay tăng cao (tăng khoảng 15-20% so với 2017) làm chi phí sản xuất tăng đáng kể (tối thiểu là 2.200 tỷ đồng do ảnh hưởng về giá.
Đây là những lý do khiến Vietnam Airlines chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2018 thấp hơn khá nhiều với kết quả thực hiện của năm 2017, trong đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.421 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.917 tỷ đồng, bằng 76,7% kết quả thực hiện năm 2018.
Mặc dầu vậy, với kết quả kinh doanh quý I/2018 rất khả quan với lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 6,2% so với kế hoạch, cộng với công tác quản trị nội bộ của hãng được cải thiện, HĐQT Vietnam Airlines kỳ vọng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Cần phải nói thêm rằng, thực hiện phương châm “Thay đổi và tăng tốc thay đổi”, trong năm 2017, Vietnam Airlines tiếp tục giữ vững vị thế chủ lực của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam với hầu hết chỉ tiêu kinh doanh đạt và vượt mức kế hoạch đề ra tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017. Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của Vietnam Airlines từ trước tới nay.
Cụ thể, Tổng công ty đã thực hiện an toàn tuyệt đối 140.000 chuyến bay, vận chuyển 22 triệu lượt hành khách. Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 84.962 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục 3.155 tỷ đồng, vượt 92,6% kế hoạch và tăng 21,3% so với cùng kỳ, trong đó, Công ty mẹ đạt 64.920 tỷ đồng tổng doanh thu và 1.911 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 52% so với kế hoạch và 11,7% so với năm 2016), hệ số ROE đạt 14,8%, ROA đạt 2,3%, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đặc biệt, lợi nhuận tăng vững chắc trong hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không.
Việc cơ cấu lại nguồn vốn kinh doanh theo hướng triển khai giải pháp SLB và giảm vay nợ cho đầu tư đã cải thiện các chỉ số tài chính theo hướng an toàn: Hệ số nợ phải trả trên vốn CSH đã giảm đáng kể và đang tiệm cận mức kiểm soát 3:1 vào cuối năm 2017 và sẽ giảm xuống dưới 3:1 trong năm 2018.
Vietnam Airlines cũng tiếp tục khẳng định vị thế hãng hàng không 4 sao năm thứ hai liên tiếp theo tiêu chuân Skytrax. Hiệu quả công tác nâng cao chất lượng dịch vụ được thể hiện qua chỉ số thiện cảm của khách hàng năm đã vượt mục tiêu 1,7 điểm.
Vượt qua khó khăn về cơ sở hạ tầng hàng không tại một số cảng hàng không trong nước, chỉ số bay đúng giờ OTP năm 2017 được duy trì ổn định ở mức cao, ngay cả trong giai đoạn cao điểm lễ Tết (bình quân OTP đi đạt 90,2%, OTP đến đạt 83,2%), thuộc top 10 các hãng hàng không có chỉ số đúng giờ tốt nhất thế giới.
Trong năm 2017, Vietnam Airlines tiếp tục được cộng đồng trong nước và quốc tế công nhận với hàng loạt giải thưởng uy tín, trong đó đáng kể nhất là việc được hãng định giá thương hiệu Brand Finance hâng hạng lên 3 bậc ở mức AA, vào top 10 thương hiệu mạnh nhất và có sức mạnh thương hiệu BSI cải thiện tốt nhất năm 2017 tại Việt Nam.
Tổng công ty đã hoàn thành việc bán 4 tàu bay B77, tiếp nhận mới 4 tàu bay A350 và 1 tàu bay B787 theo hình thức SLB trên cơ sở chủ trương đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Đội tàu bay mới được đưa vào khai thác trong năm đã đóng góp lớn vào thành công chung của Vietnam Airlines cũng như khẳng định thương hiệu của hãng với chất lượng dịch vụ đẳng cấp quốc tế và vượt trội trên thị trường.
Chính thức giao dịch cổ phiếu với mã chứng khoán HVN trên sàn Upcom kể từ ngày 3/1/2017, Vietnam Airlines luôn nằm trong top 20 công ty có giá trị vốn hóa dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc năm 2017 với kết quả kinh doanh ấn tượng, tình hình tài chính lành mạnh, các cân đối lớn được kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ là tiền đề để giá trị doanh nghiệp của Vietnam Airlines tăng trưởng mạnh, vốn hóa thị trường đạt 2,4 tỷ USD, tăng 50% so với thời điểm đầu năm; lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 1.931 đồng/cổ phiếu, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo Đầu tư