Ngày 14/12 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Giáo dục Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Toàn cầu 2017.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, ở bất kỳ thời gian nào, quốc gia nào, nguồn nhân lực cũng là yếu tố trung tâm, là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đứng trước nhiều thách thức mới.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại diễn đàn |
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ làm thay đổi bản chất một số loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa.
Một phần lao động của con người được thay thế bằng máy móc, trí tuệ nhân tạo.
Để đáp ứng yêu cầu này, các quốc gia cần phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng nhận thức cơ bản.
Việt Nam luôn coi trọng, đánh giá cao tầm quan trọng phát triển nguồn nhân lực và đang nỗ lực chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây.
Được biết, một trong những lý do quan trọng để Hàn Quốc thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực xuất sắc của mình là thu hút tài năng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, không chỉ trong khu vực tư nhân mà cả khu vực công.
“Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hàn Quốc - đất nước vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, chúng tôi cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thông qua giáo dục và đào tạo, Việt Nam đang từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng của nhân lực tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới.
Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế và đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao trong các ngành trọng điểm đạt trình độ của các nước tiên tiến", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Jaime Saavedra, Giám đốc cấp cao giáo dục, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) mà học sinh Việt Nam đã đạt được.
Tuy nhiên, Việt Nam cần chú trọng đến các kỹ năng “mềm” cho các em học sinh. Đây cũng là kỹ năng cần thiết để Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn, ông Yoon Dae Hee, nguyên Bộ trưởng điều phối chính sách của Hàn Quốc cho biết, từ một nước nghèo vào cuối những năm 1950, Hàn Quốc đã trở thành một trong 4 “con rồng châu Á” vào đầu những năm 1990 và nay là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đó là nhờ Hàn Quốc đã chú trọng đến đầu tư, phát triển giáo dục từ tất cả các cấp học từ Mầm non cho đến đại học.
Ông Yoon Dae Hee cho biết, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ tuổi, chăm chỉ, chịu khó học hỏi và thông minh.
Đây là lợi thế rất lớn nên Việt Nam cần biết tận dụng nguồn nhân lực này cho sự phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc đào tạo, có chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng.
Tác giả: Bích Lan
Nguồn tin: Báo VOV