Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters) |
Các nhà bình luận tại Mỹ và thậm chí cả các quan chức tại Lầu Năm Góc từng đưa ra đề xuất về các phương án quân sự mà Washington có thể triển khai đối với Triều Tiên, bao gồm kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, đây không phải là phương án khả thi vì Mỹ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trên thực tế. Hơn nữa, kế hoạch này gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.
Theo National Interest, thách thức đầu tiên mà Mỹ sẽ phải đối mặt là xác định vị trí của ông Kim Jong-un nếu muốn ám sát nhà lãnh đạo này. Việc phát hiện nơi ở của ông Kim Jong-un tại một quốc gia bí mật và được kiểm soát an ninh chặt chẽ như Triều Tiên là điều không đơn giản. Ngoài ra, các tầng lớp an ninh bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho Mỹ. Đó là chưa kể tới việc ông Kim Jong-un được cho là sử dụng cả người đóng thế để bảo đảm an toàn cho mình.
Triều Tiên là quốc gia kiểm soát an ninh rất chặt chẽ (Ảnh minh họa: EPA) |
Các phương tiện thu thập thông tin tình báo như vệ tinh gián điệp hay hệ thống tín hiệu tình báo có thể giúp Mỹ nắm được các tin tức về Triều Tiên. Tuy nhiên, để xác định vị trí và nhận dạng một cá nhân nào đó trên lãnh thổ Triều Tiên đòi hỏi mức độ chính xác rất cao mà các phương tiện tình báo của Mỹ chưa thể đáp ứng được. Các máy bay không người lái của Không quân Mỹ như RQ-4 Global Hawk hay MQ-9 Reaper đều không thể tồn tại lâu trong không phận Triều Tiên. Có chăng, chỉ những máy bay không người lái tàng hình như RQ-170 Sentinel mới có cơ hội lọt vào lãnh thổ nước này.
Mỹ có thể sử dụng một phương án khác để thu thập thông tin tình báo, đó là cài gián điệp tại Triều Tiên. Tuy nhiên, ngay cả khi gián điệp Mỹ lọt được vào lãnh thổ Triều Tiên, họ cũng khó có thể khai thác được thông tin mật. Việc tuyển mộ điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc đại sứ quán như cách tình báo phương Tây từng làm ở một số nước dường như không hiệu quả ở Bình Nhưỡng - nơi an ninh được kiểm soát rất gắt gao.
Hơn nữa, việc cài điệp viên ngầm tại Triều Tiên cũng rất khó khăn vì chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng hệ thống giám sát với khả năng phát hiện ngay lập tức bất kỳ đối tượng lạ mặt nào lọt vào nước này. Điều này khiến Mỹ không thể đưa các nhân viên tình báo hay lực lượng đặc nhiệm tới Triều Tiên để thực hiện kế hoạch lật đổ ông Kim Jong-un.
Hạn chế về năng lực
Hai máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Không quân Mỹ (Ảnh: Sputnik) |
Trong trường hợp Mỹ thành công trong việc xác định được vị trí của nhà lãnh đạo Triều Tiên, thách thức tiếp theo mà Washington phải đối mặt là thực hiện kế hoạch ám sát. Đối với một người thường xuyên di chuyển như ông Kim Jong-un, Mỹ sẽ phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng hành động và đây cũng là một thử thách lớn. Giả sử Mỹ phát hiện ông Kim Jong-un đang thị sát một vụ phóng tên lửa, thì Washington sẽ phải triển khai sẵn một máy bay chiến đấu ở sát không phận Triều Tiên và chờ lệnh hành động. Máy bay này phải đạt đủ độ tàng hình để đảm bảo yếu tố bất ngờ, đồng thời phải hành động đủ nhanh để chớp thời cơ hiếm hoi.
Xét về thực lực quân sự của Mỹ, máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit đảm bảo đủ các yếu tố tàng hình, tầm hoạt động và thời gian bay để thực thi nhiệm vụ tại Triều Tiên, tuy nhiên tốc độ của máy bay này vẫn chưa đủ nhanh để có thể hoạt động kịp thời trong thời gian chớp nhoáng. Ngoài B-2 Spirit, máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cũng có đủ năng lực tàng hình và tốc độ siêu thanh, nhưng máy bay này không đạt yêu cầu về thời gian hoạt động kéo dài liên tục, đặc biệt trong trường hợp F-35 phải sử dụng cơ chế tăng sức mạnh để đạt tốc độ siêu thanh.
Trong khi đó, máy bay tàng hình F-22 Raptor đạt đủ điều kiện về tốc độ với khả năng di chuyển ở mức Mach 1.8. Tuy nhiên, F-22 Raptor tiêu tốn lượng nhiên liệu rất lớn, đặc biệt trong trường hợp bay nhanh. Mỹ có thể sử dụng F-22 cho sứ mệnh tại Triều Tiên, song máy bay này chưa chắc đã đủ khả năng hoạt động trong thời gian kéo dài trên không trung.
Nếu kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên của Mỹ bị thất bại và bại lộ, điều này nhiều khả năng sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Khi đó ông Kim Jong-un có thể lấy cớ rằng ông đang phải đối mặt với nguy cơ lật đổ chế độ để phát động một cuộc chiến với Mỹ. Từ đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có đủ lý do để sử dụng kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí