Chỉ trong một tháng, 3 sự việc gây xôn xao dư luận khi mâu thuẫn giữa giáo viên và phụ huynh được cho là lên đỉnh điểm.
Cô giáo có thai, phụ huynh vẫn đánh
Đầu tháng 3, dư luận bất ngờ với sự việc xảy ra ở Long An khi nữ giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh (Nhựt Chánh, Bến Lức) phải quỳ khoảng 40 phút xin lỗi phụ huynh. Trước đó, cô giáo này phạt học sinh quỳ gối, khiến các em sợ phải nghỉ học.
Trường Tiểu học Bình Chánh - nơi phụ huynh buộc cô giáo quỳ 40 phút gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ảnh: Lao Động. |
Ngày 12/3, thầy Đặng Minh Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 9D trường THCS Tân Thành, Nghệ An - phát hiện học sinh đốt giấy trong lớp, đã tát em này. Sau đó, thầy gửi giấy mời phụ huynh của Phong tới trường để thông báo sự việc, tìm hướng giáo dục.
Hôm sau, anh trai của học sinh là Nguyễn Văn Đoàn cùng một người nữa đã đến trường đấm, cầm ghế gỗ ném vào chân giáo viên khiến thầy chảy máu mũi, phải điều trị tại bệnh viện.
Ngày 19/3, tại Nghệ An, cô Phan Thị H. (21 tuổi), giáo sinh thực tập tại trường Mầm non Việt - Lào bị phụ huynh Phan Thị Nghĩa, mẹ của một học sinh lớp mẫu giáo 5 tuổi, đánh khi phát hiện ra vết bầm tím ở chân con. Bà Nghĩa vừa kéo tóc vừa dùng chân đạp nhiều lần vào lưng, bụng nạn nhân.
Mặc cho cô H. van xin đang có thai, phụ huynh này không buông tha, buộc cô phải quỳ xuống xin lỗi. Nữ giáo viên thực tập đã phải quỳ gối trước sự hung hãn của phụ huynh.
Vì bị đánh đập, giáo sinh H. đau bụng, ra nhiều máu. Nhà trường đưa cô đến Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh Nghệ An để khám và điều trị.
Qua thăm khám và siêu âm, bác sĩ kết luận bệnh nhân H. có hiện tượng đe dọa sẩy thai. Hiệu trưởng nhà trường xác nhận vết bầm tím ở chân đứa trẻ là do chơi đu quay ở sân trường nên bị va đập.
Sau ba sự việc trên, Bộ GD&ĐT liên tiếp ra công văn khẩn cấp gửi địa phương đề nghị xử lý nghiêm túc. Nhiều chuyên gia cho rằng có giáo viên còn hành xử không chuẩn mực, nhưng việc phụ huynh tấn công giáo viên là khó biện minh.
Nữ giáo viên thực tập bị đánh nhập viện: Trẻ tím chân do chơi đu quay
Theo ban giám hiệu trường Mầm non Việt - Lào, Nghệ An, con phụ huynh Nghĩa bị bầm tím chân là do cháu chơi đu quay rồi va đập. Đứa trẻ sau đó cũng nói như vậy.
Có phụ huynh coi trường như 'cái chợ'
PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Phát triển Tiềm năng Con người Việt Nam - cho rằng chuỗi hành động trên của phụ huynh rất nghiêm trọng, đáng báo động.
Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức sai lầm của một số phụ huynh về mối quan hệ giữa giáo viên với người học. Không ít phụ huynh cho rằng mối quan hệ giữa thầy và trò, nhà trường với gia đình như siêu thị để mua và bán theo cơ chế thị trường. Nghĩa là giáo viên có chữ thì bán, phụ huynh có tiền mua.
Nhận thức sai lầm đó dẫn đến hành động không đúng. Phụ huynh nghĩ dùng đồng tiền chi phối mọi hoạt động của cuộc sống, không thỏa mãn sẽ phản ứng.
PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Phát triển Tiềm năng Con người Việt Nam - cho rằng không ít phụ huynh coi nhà trường như "cái chợ", muốn làm gì thì làm. Ảnh: Quyên Quyên. |
Một nguyên nhân nữa là không ít cha mẹ quá nuông chiều trẻ, ai đụng vào con mình liền dùng quyền lực và sức mạnh phản kháng. Nhiều người không tôn trọng nhà trường, coi đây như "cái chợ" và hành động rất bản năng. Hơn nữa, nhận thức về mặt pháp luật của một số cha mẹ còn non kém.
PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng cần xem lại mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh được gắn kết như thế nào trong nhà trường.
Thực tế, nhà trường chỉ tổ chức gặp mặt phụ huynh 1-2 lần đầu năm và giữa và cuối học kỳ, chủ yếu đề cập việc đóng góp, hay phê bình khuyết điểm của học sinh. Cần các hoạt động giao lưu thường xuyên giữa phụ huynh và giáo viên.
"Nếu là bộ trưởng GD&ĐT, tôi sẽ viết một bức thư gửi đến phụ huynh mang tính thân thiện để hướng vào lòng tự trọng với mong muốn có một tương lai tốt đẹp cho con em họ, khơi gợi trách nhiệm của họ. Bởi hiện nay, nhiều người sống không có khuôn phép hoặc không hiểu biết về pháp luật", PGS Kỳ Anh nói.
Theo PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, nguyên nhân xảy ra các sự việc mâu thuẫn trong giáo dục gần đây đến từ hai phía.
Trường hợp ở Long An, cô giáo cần xem xét lại kỹ năng sư phạm của mình. Không trường sư phạm nào dạy cô giáo bắt học sinh phải quỳ nếu các con mắc lỗi. Thế nhưng, nếu cô giáo sai một, phụ huynh sai gấp đôi, khi gây áp lực khiến người dạy con mình phải quỳ gối.
PGS Đặng Quốc Bảo cho rằng người thầy có ba trách nhiệm lớn, đó là truyền đạo (truyền dạy hệ giá trị của đất nước, thời đại); thụ nghiệp (tạo cho học sinh có nghề) và hóa giải các nghi hoặc, suy nghĩ chưa chuẩn cho học trò. Nếu không làm được ba việc đồng bộ, không nên thi vào ngành sư phạm để trở thành giáo viên.
Mặt khác, nhiều gia đình vẫn theo hướng cực đoan, một chiều, dạy con theo kiểu áp đặt, không mang lại hiệu quả mong muốn.
Cũng theo ông Bảo, từ câu chuyện cụ thể này, chúng ta phải bàn đến vấn đề lớn hơn, tinh tế hơn, đó là văn hóa ứng xử trong đời sống cộng đồng hiện nay. Khi có khúc mắc nảy sinh, nên dùng sự thật để phân tích, giải quyết thấu đáo các bất đồng.
Theo TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con", giáo viên bắt học sinh quỳ là phương pháp giáo dục tồi. TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm phụ huynh khi bắt giáo viên quỳ gối đã hủy hoại từ nhân cách của mình tới nhân cách con cái, hủy hoại nền tảng đạo lý cơ bản nhất trong các mối quan hệ cha mẹ - con cái, thầy cô - học trò, con người - con người; hủy hoại truyền thống tôn sư trọng đạo nghìn năm nay của dân tộc. |
Tác giả: Quyên Quyên
Nguồn tin: zing.vn