Thế giới

Vì sao EU kéo dài trừng phạt Nga giữa thời điểm nhạy cảm?

Gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào ngày 18/3 tới mới thực sự là nguyên nhân chính khiến Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga.

Ảnh: Sputnik

Châu Âu kéo dài trừng phạt Nga

Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể của Nga sau cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine vào tháng 3/2014 với lý do "gây tổn hại hoặc nguy hiểm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine".

Ngoài các cá nhân và thực thể, vào tháng 7/2014, EU tiếp tục tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm phong tỏa xuất khẩu quân sự của Nga sang châu Âu, hạn chế các doanh nghiệp tài chính của Nga xâm nhập vào thị trường tư bản EU, hạn chế việc Nga có được các dịch vụ và công nghệ nhạy cảm liên quan tới lĩnh vực thăm dò, khai thác và sản xuất dầu mỏ.

Kể từ đó đến nay, "danh sách đen" này liên tục được mở rộng đối với công dân Ukraine cũng như các chính trị gia Nga và công ty Nga.

Tuy nhiên, cũng có lúc EU đã hoàn gia hạn lệnh trừng phạt do một số nước thành viên EU phản đối tự động gia hạn. Ngoài ra, việc EU hoãn gia hạn trừng phạt Nga còn liên quan tới toan tính lợi ích của một số nước thành viên trong quan hệ song phương với Nga.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 150 cá nhân và 38 thực thể của Nga nằm trong danh sách này. Và các biện pháp trừng phạt thường xuyên được gia hạn 6 tháng/lần.

Lệnh trừng phạt mới nhất hôm 12/3 của EU bao gồm hạn chế đi lại và đóng băng tài sản đối với 150 người và 38 công ty của Nga, sẽ được gia hạn tới ngày 15/9 tới.

Đây không phải là lần đầu tiên EU đưa ra thêm các biện pháp cấm vận mới nhằm vào Nga sau những khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine.

Hội đồng châu Âu cho rằng những chế tài trừng phạt này chưa thể thay đổi, dựa trên đánh giá tình hình của cơ quan này.

Đối mặt với các lệnh trừng phạt của EU, Nga đã tiến hành các biện pháp đáp trả bằng cách hạn chế nhập khẩu nông sản của EU, và quyết định kéo dài lệnh cấm này tới cuối năm 2018.

Toan tính của EU

Theo các nhà phân tích, vấn đề bầu cử Tổng thống Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine là nguyên nhân cốt yếu khiến EU tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt Nga.

Ngày 12/3, EU cho biết, việc tiếp tục kéo dài các lệnh trừng phạt nhằm với giới chức, các nhà lập pháp và tướng lĩnh quân đội Nga thêm 6 tháng nữa là do có liên quan tới các cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraine.

Trong đó, trong một tuyên bố Hội đồng châu Âu nêu rõ, một bản đánh giá mới về tình hình hiện nay không làm thay đổi cơ chế các lệnh trừng phạt này. Các thông tin và tuyên bố liên quan đến lý do vì sao chúng tôi đưa các cá nhân và thể chế này vào danh sách trừng phạt cũng đã được cập nhật.

Tuyên bố này thêm rằng EU cũng đã đưa ra một bản danh sách các biện pháp trừng phạt mới để cân nhắc, trong đó bao gồm các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào một số khu vực thuộc nền kinh tế Nga, cùng các biện pháp hà khắc khác để đáp trả việc Crimea trở lại thành một phần của Nga. Những cá nhân và thực thể của Nga bị EU cáo buộc "có hành động gây tổn hại hoặc đe dọa tới toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine".

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, vấn đề bầu cử Tổng thống Nga mới thực sự là mục đích chính để EU kéo dài lệnh trừng phạt Nga.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, bà Federica Mogherini - Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách vấn đề Ngoại giao và Chính sách an ninh tuyên bố, EU sẽ không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống Nga tại khu vực Crimea.

Bà Mogherini nhấn mạnh, EU sẽ không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống Nga tại Crimea. Và chúng tôi sẽ kêu gọi tôn trọng quyền của những người dân sống trên bán đảo này, bao gồm cả những người dân tộc Tatar ở Crimea. Chúng tôi kêu gọi giải phóng tất cả những người bị bắt hoặc bị bắt giữ bất hợp pháp ở Crimea hoặc Nga.

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp với Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Federica Mogherini về Ngoại giao và Chính sách an ninh tại Kiev, Tổng thống Ukraine Poroshenko kêu gọi EU thực hiện các bước đi tương tự đối với cuộc bầu cử mà ông cho là "bất hợp pháp".

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ chính thức được tiến hành vào ngày 18/3 tới nhằm đúng dịp kỷ niệm ngày bán đảo Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga.

Dù đã chính thức được sáp nhập vào Nga nhưng EU và Ukraine không công nhận điều này. Bán đảo này được phía Ukraine gọi là "vùng bị chiếm đóng" bởi "quốc gia xâm lược" là Nga.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định, sẽ không bao giờ có trường hợp bán đảo Crimea trở về là của Ukraine, không bao giờ có trường hợp nào mà nước Nga sẵn sàng từ bỏ bán đảo này.

Tổng thống Putin khẳng định ông không nghi ngờ gì về việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi sáp nhập Crimea nhưng nếu so sánh việc người dân ở bán đảo Crimea có nguyện vọng trở về Nga với việc Nga bị các nước trừng phạt thì sáp nhập Crimea vào Nga vẫn là điều quan trọng hơn cả.

Như vậy, trừng phạt và kéo dài thời gian trừng phạt Nga không phải là biện pháp mới mà EU áp dụng.

Tuy nhiên, động thái này của EU diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Nga đang bước vào giai đoạn quyết định.

Điều đó khiến dư luận quốc tế cho rằng, các biện pháp của EU là nhằm gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử Tổng thống Nga vào ngày 18/3 tới, đúng vào ngày mà Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình.

Tác giả: ĐỨC THỨC

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: trừng phạt Nga , EU , trừng phạt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP