Cách Hà Nội 130 km đường bộ, Cát Bà là khu du lịch biển gần thủ đô, chỉ xếp sau Đồ Sơn. So với Đồ Sơn, biển ở đây được đánh giá đẹp hơn, có cả núi và rừng, các dịch vụ cũng đa dạng, từ nghỉ dưỡng đến mạo hiểm.
Khoảng cách từ Hà Nội đến các khu du lịch biển nổi tiếng khác xa hơn, như Hạ Long là 150 km, Sầm Sơn là 180 km. Ảnh: Google Maps. |
Sau khi cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện khánh thành ngày 2/9/2017, thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Cát Bà càng được rút ngắn. Thay vì chờ qua hai lần phà, khách chỉ mất 5 phút để di chuyển từ thành phố Hải Phòng sang đảo Cát Hải, sau đó đi thêm một lần phà từ bến Gót sang đảo Cát Bà.
"Đường cao tốc đi lại thuận tiện, nhà có sẵn ôtô nên được nghỉ chúng tôi chọn Cát Bà cho các cháu tắm biển. Ban đầu dự kiến đi khoảng 2 tiếng là đến nơi, thời gian còn lại sẽ nghỉ và chơi được nhiều hơn, nhưng không ngờ phải chờ phà quá lâu, ai cũng mệt mỏi", chị Phạm Thu Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Tuy nhiên, một số du khách còn nhầm tưởng chỉ cần đi cao tốc từ Hà Nội ra Hải Phòng sau đó vào cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện là đến Cát Bà.
Khách tăng đột biến cuối tuần
UBND huyện Cát Hải, Hải Phòng cho biết lượng khách du lịch đến Cát Bà trong 5 tháng đầu năm tăng 60% so với cùng kỳ. Từ thứ 2 đến thứ 5 mỗi ngày có khoảng 600 - 700 ôtô qua phà, 400 - 500 môtô, xe máy và khoảng 5.000 - 8.000 khách đến Cát Bà, theo thống kê của công ty Cổ phần đảm bảo giao thông đường thuỷ Hải Phòng.
Thứ 6 đến chủ nhật là thời gian cao điểm, lượng khách tăng đột biến từ 1.300 đến 1.500 người mỗi ngày. Các phương tiện di chuyển cũng tăng gấp đôi so với ngày thường khiến đường vào thị trấn Cát Bà tuần nào cũng rơi vào tình trạng "thất thủ".
Hệ thống giao thông bị quá tải
Tình trạng ùn tắc thường diễn ra tại bến phà Gót - Cái Viềng. Theo anh Nguyễn Sơn Hải, người làm du lịch trên đảo Cát Bà, du khách thường bị kẹt lại ở khu vực này do phải xếp hàng chờ lên phà. Hiện tại đường xuống phà hẹp, dài 100 m, mặt bến chỉ có thể đáp ứng hai phà to và một phà bé vào bến cùng lúc.
“Lượng khách ra vào dịp cuối tuần quá đông, việc ôtô lớn lên xuống phà cũng mất nhiều thời gian dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài", anh Hải nói.
Du khách xếp hàng dài chờ lên phà ra đảo Cát Bà. Ảnh: Giang Chinh. |
“Cuối tuần, bến phà phải luân chuyến đến tận nửa đêm để đưa khách từ Cát Bà về lại thành phố", công nhân phà Gót - Cái Viềng cho biết. Khách đoàn từ các thành phố gần Hải Phòng thường về lại đất liền sớm. Thời gian cao điểm rơi vào khoảng 13h-21h.
Ngoài phà sang Cát Bà, Hải Phòng còn có tàu cao tốc đưa khách từ bến Bính hoặc bến Đình Vũ. Tuy nhiên, phần lớn du khách vẫn xếp hàng chờ đi phà thay vì đi tàu cao tốc. Vé đi phà là 7.000 đồng mỗi người, vé tàu cao tốc thường trên 200.000 đồng.
“Dù mất thời gian chờ phà nhưng mình mang theo được xe máy, chủ động di chuyển, tiết kiệm hơn nhiều so với đi tàu cao tốc. Các công ty dẫn đoàn chỉ cần để khách ngồi yên trên xe, không bị chia nhỏ hoặc thất lạc như đi tàu", một du khách từ Hà Nội chia sẻ.
Vịnh Lan Hạ, Cát Bà từng được Thrillist bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á. Ngoài hệ thống rừng nhiệt đới rộng với hệ động thực vật phong phú, Cát Bà còn nổi tiếng với những bãi tắm đẹp. Quanh đảo còn có nhiều rạn san hô lớn và đặc biệt là hệ thống hang động phong phú, chưa bị khai thác bởi du lịch. Ảnh: Jimmy Tran/Shutterstock. |
Ông Võ Duy Tùng, Giám đốc Sở giao thông vận tải thành phố Hải Phòng, nhận định những xe trên 29 chỗ là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ách tắc kéo dài ở phà Gót do mất thời gian di chuyển lên xuống phà.
Sẽ hạn chế xe trên 29 chỗ vào cuối tuần Từ ngày 20/6, thành phố Hải Phòng sẽ thí điểm phân luồng, hạn chế xe từ 29 chỗ trở lên qua phà Gót vào ba ngày cuối tuần. Theo đó, xe khách từ 29 chỗ trở lên sẽ trả khách tại bến phà sau đó quay ra bãi đỗ xe rộng 3,3 ha nằm ở cuối đường Tân Vũ, Lạch Huyện để đỗ xe miễn phí. Ở đầu Cát Bà, thành phố cũng sẽ đưa vào hoạt động 20 chiếc xe buýt để đưa đón du khách miễn phí từ phà Cát Viềng vào trung tâm thị trấn. |
Tác giả: Khương Nha
Nguồn tin: Báo VnExpress