Bạn cần biết

Vì sao ăn hạt mít lại gây xì hơi khó chịu?

Chuyên gia lý giải nguyên nhân ăn hạt mít 'gây mất đoàn kết nội bộ'.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia lĩnh vực thực phẩm, hạt mít không có tính độc, thậm chí còn được người miền Trung như khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh sử dụng và coi như lương thực chống đói thời còn thiếu thốn. Ngày xưa gạo không có nhiều, mít lại sẵn, nên người dân lấy hạt mít để luộc, có nơi mọi người rửa sạch hấp với cơm ăn.

Về khoa học, giá trị dinh dưỡng của hạt mít rất cao, tất cả dưỡng chất như protein, tinh bột và chất béo đều nhiều hơn gạo, lại không độc hại, nên được sử dụng như thực phẩm từ đời này qua đời khác.

Hạt mít giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều.

Tuy nhiên, ăn nhiều hạt mít sẽ gây tác dụng phụ, sản sinh ra nhiều khí thải, khó chịu, nhất là những người có khả năng tiêu hóa kém, chậm. “Thường những thực phẩm dinh dưỡng cao sẽ tiêu hóa chậm hơn. Do vậy, khi ăn nhiều hạt mít vào cơ thể sẽ xảy ra quá trình sinh hơi. Người bụng dạ yếu, tiêu hóa kém sẽ bị trung tiện, sinh ra nhiều hơi hơn, khó tiêu”, PGS Thịnh nói.

Thức ăn thông thường vào cơ thể sẽ di chuyển xuống ruột non, rồi hấp thụ dễ dàng qua thành ruột bởi các enzyme tiêu hóa. Tuy nhiên, với thực phẩm giàu tinh bột và dễ gây trướng bụng như hạt mít khi vào ruột, quá trình tiêu hóa sẽ diễn ra chậm hơn. Ngoài ra, quá trình tiêu hóa các thực phẩm này sẽ sản sinh ra khí hydro và metan, gây ra hiện tượng đầy hơi, thoát ra ngoài qua hậu môn.

"Khí thải" có mùi hôi khó chịu do đây là các khí hydro sunfua và mercaptans chứa lượng nhỏ lưu huỳnh. Những thực phẩm như hạt mít hay trứng khi ăn vào cơ thể thông qua quá trình tiêu hóa thường sản sinh ra khí sunfua.

Vì lý do trên nên dù hạt mít có giá trị dinh dưỡng tốt, có lợi cho sức khỏe, nhưng người dân, đặc biệt là người tiêu hóa kém không nên ăn nhiều. “Bởi đặc trưng của việc sinh hơi là sản sinh ra khí hôi, thối không mong muốn. Nếu hơi quá nhiều không thể dừng lại được sẽ ảnh hưởng tới người khác nếu đang ở chỗ đông người”, vị chuyên gia nói.

Còn trong Đông y, theo Lương y Nguyễn Thanh Thúy - Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, hạt mít tính lành, có tác dụng hành khí, trung tiện, thường được sử dụng trong những trường hợp như: sau phẫu thuật không đại tiện được, bí đại tiện, căng bụng, trướng bụng, đầy hơi…

“Hạt mít rất tốt cho những người bí trung tiện, đầy hơi, trướng bụng, trong Đông Y gọi là khí trệ, rất lành tính. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của một người mà liều lượng sử dụng hạt mít sẽ được điều chỉnh sao cho giải quyết được tình trạng đầy, trướng bụng”, Lương y Thúy nói.

Tuy nhiên, bà Thúy cũng khuyến cáo rằng, hạt mít cũng như tất cả các loại thực phẩm khác, tuy lành tính, lại nhiều tác dụng nhưng không nên ăn nhiều. “Bởi ăn nhiều sẽ bị phản tác dụng, ảnh hưởng tới tiêu hóa, sinh hơi, rất khó chịu”.

Theo Lương y Thúy, hạt mít có thể được chế biến sử dụng bằng nhiều cách khác nhau như luộc, nướng hay có thể nghiền nhỏ làm thành bột cho dễ ăn hoặc nấu chè… đều rất tiện lợi.

Tác giả: NHI NHI

Nguồn tin: Báo VTC

  Từ khóa: tiêu hoá , quả mít , hạt mít

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP