Tháng 6/2005, sau hơn 5 năm thi công, hầm đường bộ Hải Vân chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động.
Tại thời điểm đưa vào vận hành, với chiều dài hơn 6,3km, hầm đường bộ Hải Vân được đánh giá là 1 trong 30 hầm lớn, hiện đại nhất thế giới và lớn nhất khu vực Đông Nam Á xét về tổng vốn đầu tư, chiều dài cũng như hệ thống kết cấu.
Những vết nứt kéo dài trong hầm Hải Vân
Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ Hải Vân được bàn giao cho công ty Quản lý hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) tiếp quản, vận hành sử dụng. Điều đáng nói, trong khoảng thời gian trước và sau khi Hamadeco quản lý và bàn giao cho công ty CP đầu tư Đèo Cả (tháng 11/2015) để đơn vị này thực hiện dự án mở rộng hầm giai đoạn 2, theo ghi nhận của PV, hệ thống mái vòm xuất hiện nhiều vết nứt khá nghiêm trọng, có nguy cơ đe dọa đến an toàn kết cấu.
Ghi nhận của PV mới đây cho thấy, tại hệ thống mái vòm của hầm từ km3 đến khoảng km5+800, thời gian qua liên tục xuất hiện nhiều vết nứt. Những vết nứt này kéo dài, tạo những khe hở chạy dọc hầm.
Có những kẽ nứt hở đến 1cm
Hiện tượng này kéo dài liên tục tại hai bên hệ thống mái vòm của hầm. Có nhiều đoạn, những vết nứt kéo dài từ 3-4m. Cùng với đó, những kẽ hở từ 0,3 - 1cm cũng được hình thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan cũng như báo hiệu nguy cơ xuống cấp của công trình.
Ông Nguyễn Tấn Đông, đại diện chi nhánh công ty CPĐT Đèo Cả tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, những vết nứt trong hầm Hải Vân xuất hiện trước thời điểm đơn vị này tiếp nhận quản lý từ công ty Quản lý hầm đường bộ Hải Vân (trước tháng 11/2015).
Ông Đông khẳng định: “Các vết nứt này chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ chứ không ảnh hưởng đến chất lượng của kết cấu hầm”.
Theo ông, hầm Hải Vân được thiết kế và thi công theo phương pháp xây dựng hầm mới của Áo - NATM, nên kết cấu vỏ hầm theo thiết kế không phải là kết cấu chịu lực, mà là kết cấu để đảm bảo cấu tạo, thẩm mỹ, treo lắp hệ thống thiết bị như chiếu sáng, quan sát, thông gió... Do đó, vai trò của kết cấu này không quyết định đến tính chịu lực của hầm Hải Vân.
Hầm Hải Vân được vận hành cách đây 11 năm nhưng gần đây xuất hiện rất nhiều vết nứt kéo dài
“Vỏ hầm làm bằng kết cấu bê tông và bê tông cốt thép thường, do đó không có yêu cầu chống nứt với loại kết cấu này mà chỉ có quy định về kiểm soát vết nứt như bề rộng không được vượt quá 0,3mm”, ông Đông cho biết.
Cũng theo chia sẻ của đại diện công ty CPĐT Đèo Cả, sau khi hầm Hải Vân xuất hiện nhiều vết nứt, đơn vị này đã thuê tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) khảo sát đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp sửa chữa.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm được thông tin về việc hầm đường bộ Hải Vân xuất hiện nhiều vết nứt từ báo cáo của chủ đầu tư.
Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư mời các đơn vị tư vấn độc lập, khảo sát, thăm dò để xác định nguyên nhân cũng như tìm hướng xử lý.
"Đánh giá ban đầu của đơn vị giám sát, những vết nứt này chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cũng như hoạt động khai thác của hầm nhưng về lâu dài, để công trình đảm bảo chất lượng thì phải xử lý dứt điểm các vết nứt xuất hiện trong hầm", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Tác giả bài viết: Quang Thành