“Sống trên đời ăn rươi An Định”
Nói đến rươi, không thể không nhắc đến thương hiệu rươi An Định (An Thanh,Tứ Kỳ, Hải Dương) nổi tiếng “Sống ở đời ăn rươi An Định”.
Mùa rươi thường bắt đầu từ tháng 8 - 12 hàng năm, trong mỗi tháng có hai con nước (nước mặn từ cửa sông ngược về) nhưng chỉ có một con nước có rươi và rươi cũng chỉ lên 1 lần/tháng, trong 3 tháng cuối năm. “Tháng chin đôi mươi, tháng mười mồng năm” thì rươi đôi mươi tháng chín là rươi đầu vụ.
|
Dịp này, rươi thường nhỏ và sản lượng không cao. Chính vụ là rươi tháng mười, mồng năm. Thời điểm này, rươi nhiều, to và giàu bột. Đầu tháng mười một, là rươi vét. Đây là đợt cuối cùng nên rươi nhỏ và sản lượng cũng ít.
Tóm lại, rươi ngon nhất phải kết đến rươi giữa vụ, “tháng mười mồng năm”.
Rươi là món ăn đặc sản nhưng cách chế biến khá đơn giản. Chỉ cần trần qua nước sôi cho lông rươi “rụng lông”, sạch nhớt và để thịt rươi săn lại. Sau đó đánh đều với trứng, thịt lợn băm nhỏ, rau thìa là cùng 1 ít vỏ quýt thái mỏng rồi rán thật lâu với lửa nhỏ. Chỉ vậy là đủ cho một đĩa chả rươi thơm lừng!
|
Cầu kì hơn một chút là món rươi xào củ niễng, hương vị của nó thì rất đặc biệt. Bởi, thân cây niễng bị một giống nấm ăn được ký sinh, làm phần thân đó phồng lên, mang nhiều đốm đen. Nhưng cũng nhờ bị nấm ký sinh, củ niễng trở nên bùi và béo, khiến món ăn cũng dậy vị hơn rất nhiều.
Ngoài ra, còn có canh mưng rươi và rươi húi trấu cũng là một đặc sản khó có thể quên.
Những ngày se se lạnh, ngồi quây quần bên bạn bè, người thân thưởng thức món rươi đã trở thành một phần không thể thiếu của người xứ Đông chung và người Hải Dương nói riêng.
|
Đã nhiều năm nay, những người sành ẩm thực vẫn thường tìm về tận đây mỗi ngày nước rươi. Rươi (còn gọi là “rồng đất”) chỉ sống trong môi trường tự nhiên nên dù biết có giá trị kinh tế cao, ngày nước rươi, giá khoảng 500 ngàn/kg, khi cao điểm có giá lên đến tiền triệu, thì cũng không thể nuôi hay làm cách nào cho rươi tăng sản lượng. Cách duy nhất là làm sạch cỏ và giữ môi trường thật trong lành để chờ mùa thu hoạch. Vì thế, rươi không những ngon mà còn rất sạch.
“Tam vương” xứ Đông
Nói đến ẩm thực xứ Đông, không thể không nhắc đến ba loại bánh được coi là “tam vương”, đó là bánh cáy (Thái Bình), bánh gai và bánh đậu xanh (Hải Dương).
Bánh cáy Thái Bình là thức bánh dân giã được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Bánh cáy xắt miếng, nhâm nhi cùng ấm trà xanh vừa ngọt, vừa bùi, lại có chút giòn giòn, dẻo dẻo của các nguyên liệu hòa quyện cùng nhau. Một chút vị cay nóng của gừng khiến cho người ăn cảm thấy ấm dạ, khoan khoái.
Nét độc đáo của bánh cáy làng Nguyễn chính là sự kết hợp từ các nguyên liệu dân giã trong đời sống mang hương vị đặc trưng riêng của nếp cái hoa vàng, gấc, lạc, vừng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, tinh dầu hoa bưởi...
Nếu được chứng kiến tận mắt các công đoạn tỉ mỉ để làm nên chiếc bánh của người thợ làng Nguyễn, người thưởng thức sẽ cảm nhận được tâm huyết, tình cảm trong từng lát bánh thơm ngon và càng trân quý chiếc bánh đó hơn.
Nghề làm bánh đậu xanh ở Hải Dương đã có cách đây nhiều thế kỷ và được cho là sản vật tiến vua. Có lẽ vì thế, giấy gói bánh có in hình rồng nên nhiều người gọi là bánh đậu xanh Rồng vàng?
|
Và do là sản vật tiến vua nên cách thưởng thức bánh đậu xanh cũng đôi chút cầu kỳ. Một người sành ăn thì khi dùng bánh thường có chén trà nóng, khói trà vẫn còn bay nghi ngút. Nhấp một ngụm trà, nếm từng khẩu bánh đậu xanh… Bánh vừa đưa vào miệng thì đã vụn nhỏ, tan đi chỉ để lại vị ngọt đậm hòa cùng vị ngọt của trà hồi lại trong miệng. Phong vị ấy khiến người thưởng thức xao xuyến khó quên.
Cách thành phố Hải Dương khoảng 30 km về hướng đông nam, có một loại bánh khác cũng rất nổi tiếng gắn liền với địa dan, đó là bánh gai Ninh Giang. Bánh được gói bằng là chuối khô, vỏ bánh đen tuyền, nhân vàng ruộm và có hương vị dẻo ngọt, thơm bùi.
Theo lời kể của người dân, nghề làm bánh gai đã có từ rất lâu, thậm chí khoảng hơn 700 năm trước. Thuở ban đầu, bánh hình tròn nhìn giống quả chanh, không có lá bọc và rất hiếm. Thời ăn còn chẳng đủ, phải đến Tết hay nhà có giỗ chạp thì mới có bánh gai.
Nó hiếm đến mức, có 1 chiếc bánh gai mà nhà có 5 hay 6 người thì phải cắt thành từng ấy miếng, mỗi người một miếng nhỏ, cùng nhâm nhi vị ngọt đượm của bánh cũng đã là một niềm hạnh phúc. Nhưng giờ, bánh gai đã được làm quanh năm và trở thành đặc sản để du khách chọn làm quà khi đến với Hải Dương.
Miền trái ngọt
Năm 1870, cây lệ chi (cây vải thiều) đầu tiên được cụ Hoàng Văn Cơm đem về đây ươm trồng. Như có sự ưu ái của đất trời, thiên nhiên với mảnh đất Thanh Hà (Hải Dương), giống tốt gặp đất phì nhiêu đã cho ra một sản vật nức tiếng gần xa.
|
Dần dần, mỗi khi nhắc đến Hải Dương người ta nhớ ngay đến những quả vải thiều Thanh Hà mọng đỏ, cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt lịm. Cái ngọt mát ấy của vải khiến cho những ngày hè trở nên dễ chịu hơn rất nhiều. Tuy cuộc sống hiện đại, có nhiều loại quả nhập khẩu thơm ngon du nhập vào Việt Nam. Nhưng quả vải thiều Thanh Hà vẫn là một thứ đặc sản mà hàng trăm năm sau, người ta vẫn nhắc đến nó như một biểu tượng của Hải Dương, của xứ Đông nghìn năm văn hiến.
Hết mùa vải, lại tới mùa nhãn lồng xứ Đông. Xưa kia, dân gian tương truyền một tích, có vị quan đi tuần ngang qua vào đúng mùa nhãn chín, ngài bèn ăn thử thì thấy hương thơm, vị ngọt ngấm vào từng thớ thịt đến độ mê mẩn tâm hồn. Biết đây là sản vật quý, ngài liền đem dâng vua, tin đồn nhãn lồng Hưng Yên từ đó bay xa khắp kinh thành. Những năm sau, cứ vào đầu thu, người dân lại đem nhãn dâng vua thưởng thức, từ đó nhãn lồng Hưng Yên còn được gọi tên khác là ‘nhãn tiến vua’. Nhà bác học Lê Quý Đôn ăn nhãn xong phát thốt lên rằng: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì ngập tận chân răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
|
Mùa nhãn chín, Hưng Yên như một vương quốc nhãn lồng trĩu quả. Nhìn từ trên cao, những cây nhãn chín rộ nhuộm vàng một góc trời, dòng người tấp nập đổ về mua nhãn đông đúc, chật kín.
Bài viết mới điểm qua những đặc sản của xứ Đông mà nhiều người biết tới. Đằng sau nó, còn là cả một nền văn hóa ẩm thực xứ Đông. Mỗi vùng miền, mỗi làng quê lại có một phong vị riêng, độc đáo, mới mẻ. Cái văn hóa ấy khiến cho những ai đã đặt chân đến xứ Đông, thưởng thức những món ăn mang sắc thái xứ Đông sẽ chẳng muốn rời…
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí