Trong nước

"Vàng mã còn nằm trong danh mục đóng thuế thì cấm sao nổi?"

“Tôi thấy nhiều người nói rất đúng, nếu như trong danh mục hàng hóa còn có danh mục đóng thuế của vàng mã thì cấm làm sao nổi. Do đó, muốn loại bỏ tập tục đốt vàng mã thì phải từ chính quyền” – Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trăn trở.

Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đề nghị chư Tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Ngay khi đề nghị trên của GHPGVN được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng xã hội và các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, xã hội học.

Nhiều người đồng tình với kiến nghị loại bỏ tập tục đốt vàng mã của GHPGVN. (Ảnh minh họa).

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN.

- Thưa Thượng tọa, xuất phát từ lý do gì mà năm nay GHPGVN lại ra công văn đề nghị, hướng dẫn Phật tử và bà con loại bỏ tập tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo?

- Không phải năm nay GHPGVN mới ra công văn này, mà đã nhiều năm rồi, cứ đến kỳ lễ Tết, Vu Lan là GHPGVN vẫn có những hướng dẫn và có khuyến cáo những chuyện như này (đốt vàng mã – pv) và nội dung này vẫn thường xuyên có trong các bài giảng dạy của GHPGVN. Năm nay gần Tết, chúng tôi có gửi công văn nhưng sợ các Ban trị sự ở các địa phương cũng nghỉ Tết nên chúng tôi có truyền thông nội dung công văn đó lên trang website của GHPGVN để có chỉ đạo cho kịp thời, thời buổi công nghệ 4.0 mà (cười).

- Theo các chuyên gia, việc đốt vàng mã là thuộc về phong tục tập quán, là “quán tính” của nhiều người nên rất khó “gột rửa” ngay được. Thượng tọa nghĩ sao về điều này?

- Đúng là tập tục này rất khỏ loại bỏ ngay được. Ở đây GHPGVN không dùng từ cấm mà dùng từ loại bỏ, loại bỏ có nghĩa nó là tập tục, nó là văn hóa, những gì về văn hóa thì mình không cấm. Nhưng mà hiện nay tập tục này nó thái quá, trở thành mê tín dị đoan thì mình phải hướng dẫn mọi người loại bỏ.

Tôi thấy nhiều người nói rất đúng, nếu như trong danh mục hàng hóa còn có danh mục đóng thuế của vàng mã thì cấm làm sao nổi. Do đó, muốn loại bỏ tập tục này thì phải từ chính quyền.

- Rõ ràng việc loại bỏ ngay tập tục đốt vàng mã của người dân là không hề đơn giản, nhưng bước tiếp theo GHPGVN sẽ triển khai những công việc như nào để đề nghị của mình trở thành hiện thực, thưa Thượng tọa?

- Bước tiếp theo GHPGVN vẫn kiên trì trong các bài giảng và nhấn mạnh đến việc này. Chúng tôi thấy rất vui vì khi đưa ra đề nghị này được nhiều người hưởng ứng, phải có sự hưởng ứng của toàn xã hội, của các cấp chính quyền mới thành công được.

Trước mắt việc này sẽ tiếp tục được thực hiện trong cộng đồng Phật tử của GHPGVN và sẽ khuyến cáo nhân dân loại bỏ dần, khuyên bảo các đệ tử của mình, từ đó các đệ tử sẽ lan tỏa ra toàn xã hội.

Có người nghiên cứu rất đúng, phong trào Chấn Hưng Phật giáo từ những năm 1930-1940, Hòa thượng Thích Tố Liên và Hòa thượng Trí Hải ở chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã dấy lên phong trào này rồi, nhưng sau đó kết luận lại cũng không triệt để được. Bây giờ muốn thành công thì phải kiên trì.

Mà kiên trì thì tôi tin là sẽ thành công. Tôi lấy ví dụ như việc thắp nhiều hương ở trong chùa, ngày xưa các Phật tử phải đứng để thu bớt hương của người dân trước khi mang vào chùa, bây giờ không cần làm việc này nữa, mọi người đã tự giác hết rồi. Hay là hiện tượng nhét tiền lẻ vào tay tượng ở các chùa cũng hạn chế nhiều lắm rồi.

- Xin cảm ơn Thượng tọa!

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP