Thời gian tới, các bên sẽ hướng tới tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật sau khi Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được ban hành và có hiệu lực. Ảnh: Internet. |
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho biết, Việt Nam được biết đến bởi mức độ ô nhiễm bom mìn một cách nghiêm trọng. Theo báo cáo công bố hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, hiện nay, diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích cả nước.
Trong năm 2017, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và và Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ cho 151 nạn nhân bom mìn với số tiền lên tới hơn 1,8 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ sinh kế cho 140 nạn nhân) tại các tỉnh Quảng Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Trị. Công tác phối hợp với các Chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ nhằm đẩy nhanh việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh cũng được đẩy mạnh.
Thời gian tới, các bên sẽ hướng tới tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật sau khi Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được ban hành và có hiệu lực; xây dựng cơ chế vận động tài trợ, đáp ứng mục tiêu Chương trình 504; tiếp tục huy động sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, triển khai chính sách xã hội đối với nạn nhân bom mìn một cách toàn diện.
Cũng tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng Cục tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) cũng cho biết thêm thông tin về vụ nổ xảy ra tại kho phế liệu ở Bắc Ninh ngày 3/1 vừa qua.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tín, hiện Bộ Quốc phòng đã giao các đơn vị liên quan thực hiện điều tra, xử lý. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ nổ kho phế liệu xảy ra ở Bắc Ninh. Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trong toàn ngành về quản lý kho đạn dược và bom mìn thu gom sau rà phá.
Tác giả: Xuân Thảo
Nguồn tin: Báo Hải quan