Thể thao

V-League èo uột, HLV Park Hang Seo lấy gì để nâng tầm đội tuyển?

Mức lương cao kỷ lục của HLV Park Hang Seo dĩ nhiên mang theo kỳ vọng giúp đội tuyển Việt Nam lột xác, thậm chí nâng tầm so với chính chúng ta giai đoạn trước đây, ở các giải quốc tế. Tuy nhiên, nhìn vào phần nền tảng của bóng đá nội là V-League thì nhiệm vụ này không dễ.

Sở dĩ Thái Lan tính đến chuyện gia nhập nhóm có trình độ hàng đầu châu Á, và nghĩ đến việc giành suất dự VCK World Cup ở kỳ giải kế tiếp vì bước đầu họ đã cải tổ rất tốt chất lượng của giải Thai-League, cùng hệ thống thi đấu quốc nội.

Thai-League mạnh, giàu tính cạnh tranh, giúp cho đội tuyển Thái Lan luôn có nguồn cầu thủ tốt, ổn định về mặt chất lượng.

Bóng đá Việt Nam hiện cũng muốn nâng tầm giống như Thái Lan, bởi kinh tế và các nguồn lực xã hội đã phát triển rất tốt trong khoảng 20 năm qua, thì bóng đá – môn “thể thao vua” tại Việt Nam, cũng không thể giẫm chân tại chỗ, thậm chí có dấu hiệu phú quý giật lùi.

Tìm HLV trưởng mới cho đội tuyển không khó, thay đổi chất lượng phần nền tảng là hệ thống thi đấu quốc nội mới khó

Tuy nhiên, vấn đề là V-League hiện đang quá èo uột, vắng khán giả, bị đánh giá kém về mặt chất lượng và cả tính giải trí, mà những người làm công tác quản lý nền bóng đá chưa cho thấy định hướng cải thiện hình ảnh của giải đấu này.

Đừng quên V-League mới là môi trường thi đấu cọ xát hàng tuần cho các cầu thủ, để rồi các tuyển thủ quốc gia từ chính V-League bước lên khoác áo đội tuyển.

Đội tuyển Thái Lan có được dàn cầu thủ tài năng, đồng đều, thế hệ trước nối tiếp thế hệ sau như hiện tại là nhờ chất lượng cao của Thai-League. Đội tuyển Việt Nam muốn có được hình ảnh tương tự thì cũng phải trông cậy vào V-League.

Thế nhưng V-League khó hấp dẫn và khó có tính cạnh tranh nếu như người ta không giải quyết được tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”. Bóng đá Việt Nam cũng khó có lứa kế cận tốt với tình trạng trong số 14 đội bóng dự V-League, chỉ có vài đội thực sự thực hiện khâu đào tạo trẻ.

Bóng đá Việt Nam càng không thể phát triển tốt nếu như tiếp tục duy trì hệ thống thi đấu các giải trong nước lạ lùng như hiện nay: V-League có đến 14 đội, giải đấu ngay dưới V-League là giải hạng Nhất chỉ có 7 đội, trong khi giải hạng Nhì có 16 đội.

Mô hình chung của hệ thống thi đấu các giải quốc nội ở các quốc gia tiến bộ về bóng đá trên toàn thế giới là hạng dưới nhiều đội hơn hạng trên, càng lên trên thì càng ít đội, chứ chẳng ở đâu chỗ phình chỗ tóp như ở trong lòng bóng đá Việt Nam.

Đấy lại là những vấn đề mà người ta ít nghe các nhà quản lý bóng đá nội đề cập, rằng phải thay đổi hiện trạng bất cập trên như thế nào? Giải quyết tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” ra sao? Làm gì để các CLB phải chú tâm vào khâu đào tạo trẻ đúng nghĩa, theo đúng lộ trình của bóng đá chuyên nghiệp, chứ không phải cách làm tạm bợ như hiện nay?

Thay đổi hệ thống các giải quốc nội mới khó, giải quyết chuyện một ông chủ gần như chi phối cả V-League từ mùa này qua mùa khác, khiến khán giả mất niềm tin mới khó, chứ tìm một ông HLV trưởng, rồi đặt tất cả hy vọng vào việc nâng cấp đội tuyển cho ông ấy vốn dễ hơn nhiều.

Chọn HLV trưởng mới sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng rút lui vì thất bại là cần thiết, đặt vào tay tân HLV đội tuyển quốc gia Park Hang Seo thêm những kỳ vọng về thành tích mới cho các đội tuyển cũng là cần thiết.

Tuy nhiên, tất cả vẫn không cấp thiết bằng việc phải thay đổi chất lượng từ khâu nền tảng của toàn bộ nền bóng đá, thông qua việc thay đổi chất lượng của giải đấu quốc nội, của hệ thống thi đấu quốc nội vốn đang trong tình trạng báo động!

Tác giả: Trọng Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP