Giáo dục

Tuyển sinh 2017: Bỏ điểm sàn và những điểm mới

Theo dự thảo công bố ngày 16/12, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ điểm sàn, thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường đại học và được thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi THPT quốc gia.

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2017, Bộ dự kiến bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Nhiều chuyên gia lo ngại nếu dự thảo được thông qua, việc bỏ điểm sàn đại học sẽ ảnh hưởng chất lượng đầu vào, nhất là với các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng chất lượng tuyển sinh và đào tạo thuộc quyền tự chủ của các trường.
Dự thảo quy chế năm 2017 cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 cao nhất).
Thí sinh đăng ký xét tuyển trước khi thi và cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017, các em được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định.
Để tránh tình trạng thí sinh "ảo", Bộ GD&ĐT quy định việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách những nguyện vọng đã đăng ký.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường sử dụng tổ hợp các môn thi mới để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, B, C, D). Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017.
Năm tới, Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Việc xét tuyển được thực hiện theo đề án tuyển sinh của trường. Các trường có thể sơ tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT hoặc phối hợp các phương án tuyển sinh này.
Các trường có thể tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển (tương tự nhóm GX của ĐH Bách Khoa Hà Nội trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2016). Cách làm này được cho là có thể giảm bớt tình trạng thí sinh "ảo".
Theo dự thảo, việc xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một hay nhiều lần. Hội đồng tuyển sinh của trường xem xét chỉ tiêu và số lượng thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học (sau xét tuyển đợt 1) để quyết định các nội dung xét tuyển bổ sung.
Bộ GD&ĐT xây dựng cổng thông tin tuyển sinh, cung cấp thông tin và công cụ thống kê tự động để hỗ trợ các trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh theo nguyên tắc trong xét tuyển đợt 1. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Đây được coi là công cụ để giúp các trường lọc thí sinh "ảo".

Tác giả bài viết: Phượng Nguyễn - Nguyễn Sương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP