Người đi bộ qua đường nơi không có vạch sơn, biển báo. Ảnh: Thanh Hà |
Theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260), chủ thể tội phạm không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà được mở rộng ra thành "người tham gia giao thông đường bộ". Như vậy, phạm vi người nào tham gia giao thông đường bộ bao gồm cả phạm vi là người đi bộ.
Khoản 3 điều 260 nêu rõ phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên” thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Trước đó, đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT – PC67) Hà Nội đã triển khai kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm giao thông với người đi bộ. Người vi phạm sẽ bị lực lượng CSGT các Đội chốt trực phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 120.000 đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hiện nay tại nhiều tuyến đường ở Thủ đô vẫn nhan nhản tình trạng người đi bộ vi phạm giao thông như tuyến đường Giải Phóng, Chùa Bộc, Tây Sơn,… nơi có hàng rào sắt cao hơn 1m ngăn cách ở giữa dải phân cách nhưng một số người vẫn cố tình trèo sang đường. Tại các tuyến đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Cầu Diễn,… được triển khai xây dựng hầm dành cho người đi bộ nhưng nhiều người vẫn thờ ơ không đi qua do phải đi bộ xa hơn.
Theo luật sư Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trước đây, tại điều 202 Bộ Luật hình sự (BLHS) 1999, sửa đổi bổ sung 2009 về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, chủ thể phạm tội được quy định: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm”. Vậy, chủ thể phạm tội chỉ là chủ phương tiện, người điều khiển.
Tuy nhiên tại Điều 260 BLHS năm 2015, chủ thể được quy định là “người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định”, như vậy chủ thể phạm tội được mở rộng tối đa. "Đó là bất cứ ai tham gia giao thông đường bộ không chỉ có chủ phương tiện tham gia giao thông mới có thể gây tai nạn. Không thể cứ tình trạng, người đi bộ thì vô can, người điều khiển mới có tội” – luật sư Cường nói.
Còn luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Cty Luật Minh Bạch cho rằng, hậu quả của hành vi vi phạm khi tham gia giao thông của người tham gia giao thông đều xuất phát từ lỗi vô ý, ngoài mong muốn của người vi phạm. "Do vậy, việc trừng phạt phải cân nhắc để phù hợp với các tình tiết thực tế của vụ việc. Tôi cho rằng với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù tương ứng với tội phạm rất nghiêm trọng đã đảm bảo tính răn đe đối với những trường hợp tham gia giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, hình phạt trong luật hình sự thì chủ yếu là mang tính chất răn đe, cảm hóa là chính chứ không nhằm trừng phạt người phạm tội. Cho nên, dù mức hình phạt quy định chung là như vậy nhưng trong những vụ án cụ thể thì việc áp dụng còn phải căn cứ vào nhiều tình tiết khác như tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” - luật sư Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mức hình phạt lên tới 15 năm tù là quá nặng (đối với chủ thể là người đi bộ) và không hợp lý với thực tiễn hiện nay khi hạ tầng giao thông của chúng ta đang yếu kém “hè không thoáng, đường không thông”.
“Ngay bản thân là người làm giao thông, nhiều đoạn đường tôi không tìm được chỗ có vạch vôi đi qua hay phải đi bộ thêm cả đoạn đường dài mới qua đường được. Việc này dẫn đến người dân bức xúc mới vi phạm giao thông” - ông Thủy nói.
Cũng theo ông Thủy, ở các nước như Nhật Bản người đi bộ muốn qua đường phải có tín hiệu dành riêng. Khi người đi bộ qua đường, các phương tiện như ô tô, xe máy phải dừng lại nhường đường. "Còn ở nước ta hiện nay, nhiều chỗ người đi bộ qua đường thì ô tô, xe máy vẫn lao vù vù. Điều này cho thấy tổ chức giao thông và hạ tầng đều yếu kém nên không thể phạt người đi bộ quá nặng như vậy được".
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Công an Hà Nội) cho rằng, việc xử phạt người đi bộ gây tai nạn ở đây được nhìn nhận một cách tổng thể ở nhiều nơi, nhiều khu vực khác nhau. Tuy nhiên, ngoài mức xử phạt thì cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tham gia giao thông tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
“Tôi lấy ví dụ người dân ở khu vực ngoại thành nơi có tuyến đường cao tốc đi qua, mặc dù có biển cấm nhưng họ vẫn leo qua rào sang đường bất chấp sự nguy hiểm. Nếu các phương tiện như ô tô đang di chuyển với tốc độ cao không kịp xử lý sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Tương tự, người dân trong khu đô thị cũng thường xuyên băng qua đường tại những nơi không có biển báo, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Việc này một phần do họ không hiểu luật và ý thức chấp hành của họ rất kém nên cố tình vi phạm” - thượng tá Quỹ nói.
Theo thống kê, năm 2015, Hà Nội xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó TNGT liên quan đến người đi bộ xảy ra 112 vụ, TNGT do người đi bộ gây ra xảy ra 33 vụ.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Tiền phong