Giáo dục

Tư duy theo kiểu trọng bằng cấp sẽ gây nhiều hệ lụy

Trên thực tế trong nền công vụ, có học vị cao chưa chắc lãnh đạo giỏi, thậm chí chưa chắc có đủ năng lực đòi hỏi đối với một công chức! Rõ ràng, tư duy trọng bằng cấp một cách thái quá đã đưa đến nhiều hệ lụy như vấn nạn bằng dỏm, tình trạng hữu danh vô thực...

Ảnh minh họa (internet)

“Thật” còn chưa ổn, huống chi... “giấy”

Thật ra, việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ phải nhận rõ đây mới là “giấy chứng nhận trình độ học vấn”, còn năng lực của người có văn bằng, chứng chỉ đó là một việc có thể không tương xứng. Vì vậy, việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ chỉ nên là điều kiện cần để xem xét tuyển chọn và phân công trách nhiệm ban đầu mà thôi.

Trong thực tiễn, sau thời gian thử việc bao giờ cũng có sự tuyển dụng hay phân công trách nhiệm lại, phù hợp với năng lực thực chất. Có bốn loại năng lực đòi hỏi đối với công chức. Thứ nhất là năng lực tư duy. Đó là việc đòi hỏi người công chức có khả năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, nhận biết vấn đề, hiểu nguyên nhân của vấn đề cần được xử lý…

Thứ hai là năng lực hành động, theo đó đòi hỏi khả năng tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện thực tiễn phức tạp.

Thứ ba là năng lực quan hệ, giao tiếp, thuyết phục, lãnh đạo, làm việc với người khác.

Và thứ tư là năng lực học tập, tiếp thu, đổi mới, sáng tạo, phát triển.

Qua nghiên cứu cho thấy, các năng lực cơ bản cần cho công chức, giúp họ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách chủ động và sáng tạo trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay và tương lai.

Những khả năng này rõ ràng là trong quá trình học và làm nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ chưa hẳn đã được dạy hoặc tích lũy được huống chi các tiến sĩ “dỏm”! Không những thế, ở ta do tư duy trọng bằng cấp thái quá tạo điều kiện cho loại tiến sĩnày leo cao trong bộ máy công quyền.

Thiết nghĩ, nếu muốn có một đội ngũ công chức có năng lực thật sự nên tổ chức thi tuyển đầu vào nghiêm ngặt, khoa học, khách quan hơn đối với công chức so với thời gian vừa qua.

Nên chăng tổ chức những cơ quan độc lập lo việc thi tuyển công chức. Dựa vào kết quả thi đấy cơ quan cần tuyển dụng chiếu theo yêu cầu của cơ quan mình để tuyển dụng.

Ngoài ra, đối với các chức vụ lãnh đạo, cần tổ chức thi tuyển cạnh tranh vào một chức danh nào đó. Trước mắt cho thí điểm thi tuyển trưởng, phó phòng, dần dần mở rộng đến phó, chánh giám đốc sở, vụ trưởng, vụ phó, cục trưởng, cục phó… Bổ sung chế định sát hạch công chức định kỳ hoặc đột xuất.

Đã đến lúc làm quen “công nghệ mới”, bổ sung cho hệ thống tuyển chọn nhân sự cao cấp để quy hoạch thông qua áp dụng tiêu chí đánh giá qua chỉ số thông minh IQ (Intelligent Quotient) và chỉ số cảm xúc EQ (Emotinal Quotient).

Đặt nặng tiêu chí bằng cấp

Có thể nói, lâu nay ta chưa có một hệ thống tiến cử, tuyển chọn hiền tài thực sự công tâm khoa học.

Chúng ta biết rằng, trong thực tiễn quản lý, nhất là ở tầm hoạch định chính sách, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở, các thông lệ. Hơn nữa, công cuộc đổi mới cũng như cải cách hành chính và những vấn đề bức xúc của Nhà nước ta chưa có tiền lệ. Vì thế, nếu chỉ biết “nhai lại” mà chỉ số thông minh thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá. Có chỉ số thông minh và chỉ số xúc cảm cao mới có điều kiện để năng động, sáng tạo nhạy bén!

Công bằng mà nói, do quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp trong tuyển dụng, đánh giá, đề bạt, vô hình trung làm bùng nổ vấn nạn mua bằng, bằng giả hay học giả bằng thật nên trong xã hội xuất hiện tình trạng bằng mọi cách chạy cho được bằng cấp này nọ không qua thực học, thực tài.

Tiếc rằng, dư luận xã hội vẫn chưa lên án mạnh mẽ, quyết liệt với những hiện tượng chạy bằng, chạy chức, chạy học vị, chạy các loại danh hiệu này nọ... Tri thức xã hội không giàu lên, trái lại “đạo học” có nguy cơ suy vong, khan hiếm nhân tài đích thực.

Nhiều năm lại đây, nhiều quan chức không bằng lòng với chức vị cao của mình nên thích gắn thêm trước chức vụ học hàm, học vị PGS-TS để cho thêm phần trí tuệ. Có một điều là ai cũng biết, cơ quan có trách nhiệm cũng biết năng lực thật sự của các vị này nhưng không ai làm gì cả! Đó mới là điều đáng nói.

Bằng cấp thích nghi nhanh với “chủ trương”

Khi Nhà nước có chủ trương trẻ hóa cán bộ, tiêu chuẩn hóa cán bộ, thường chủ yếu dựa vào bằng cấp thì lập tức có hiện tượng khai sụt tuổi, bằng giả - nhưng bằng giả không đáng ngại so với “bằng thật học giả” - khi Nhà nước có chủ trương gì thì những người này nhanh chóng đáp ứng hóa giải bằng mọi cách.

Lao động của công chức là loại hình lao động đặc biệt, vì thế nó phải được điều chỉnh một cách đặc biệt, không thể đồng nhất với các loại hình lao động khác. Muốn làm công chức phải chấp nhận “luật chơi nghiêm khắc hơn”, như áp dụng thi tuyển cạnh tranh vào vào công chức, vào những chức danh lãnh đạo.

Thay đổi tư duy sai lầm về một nền công vụ quá đề cao bằng cấp, không chú trọng thực chất năng lực. Vấn đề còn lại ở đây là chế độ đãi ngộ vật chất cũng như tinh thần phải tương xứng với “luật chơi” đó để bảo đảm thu hút lao động giỏi vào cơ quan công quyền. Có làm được những điều trên mới mong có một đội ngũ công chức đủ phẩm chất và năng lực thực sự chuyên nghiệp. Khi công chức đủ tâm, đủ tầm, thực sự chuyên nghiệp thì mới đủ sức ngăn chặn các vấn nạn bằng dỏm, bằng thật học giả đã làm nhức nhối xã hội.

Tác giả bài viết: DIỆP VĂN SƠN

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP