Trung Quốc là nước bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới. Ở một số thành phố tại đây, các lớp sương mù dày đặc thường bao phủ cả bầu trời khiến hàng ngàn người chết mỗi năm.
Theo một nghiên cứu năm 2016, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở Trung Quốc là do đốt than. Nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ thực hiện nghiên cứu này nói rằng, ô nhiễm không khí từ than khiến 366.000 người chết sớm vào năm 2013.
Do đó, để nâng cao chất lượng không khí của đất nước, chính phủ Trung Quốc đã cam kết dành ít nhất 360 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch và tạo ra 13 triệu việc làm mới cho ngành năng lượng tái tạo vào năm 2020.
Các công nhân đang chuẩn bị những tấm pin mặt trời để chúng có thể hoạt động tốt nhất. (Nguồn: Kevin Frayer/Getty Images) |
Theo Business Insider, Trung Quốc là một trong những nước đầu tư lớn nhất trên thế giới về các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, và thủy điện.
Đáng nói, dự án năng lượng mới nhất của Trung Quốc là một trang trại năng lượng mặt trời khổng lồ được xây dựng trên một mỏ than ở An Huy có thể giúp nước này tiến gần hơn với mục tiêu đó.
Tờ South China Morning Post cho biết, năm 2017, các công nhân của trang trại này đã khiến 166.000 tấm pin năng lượng mặt trời hoạt động, giúp tạo ra 150 MWh điện, đủ để phục vụ 15.000 căn nhà.
Đây là dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và sẽ hoạt động trong 25 năm, nhiều nguồn tin cho hay.
Thêm nữa, công ty năng lượng địa phương Sungrow Power Supply đã xây dựng trang trại trên một hồ nước trước đây đã từng là nơi khai thác than đá. Một vụ nổ đã làm cho mỏ than này đổ sập và hình thành nên một hồ nước.
Về mặt ưu điểm, như tờ The Guardian đưa tin, xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời trên hồ và hồ chứa có thể bảo vệ đất nông nghiệp và động vật hoang dã trên mặt đất. Đồng thời, nước trong hồ cũng làm lạnh nhanh các tấm pin mặt trời, giúp chúng làm việc hiệu quả hơn.
Tháng 12 vừa qua, một đơn vị của tập đoàn Three Gorges ở Trung Quốc cũng bắt đầu xây dựng một dự án điện năng lượng mặt trời lớn hơn, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 5/2018.
Theo nhiều nguồn thông tin, nhà máy trị giá 151 triệu USD này sẽ sản xuất 150 MWh điện cho khoảng 94.000 căn hộ.
Nhà máy nhiệt điện than thải ra không khí ô nhiễm ở ngay cạnh khu chợ đông dân cư tại Trung Quốc. (Nguồn: Kevin Frayer/Getty Images) |
Đáng chú ý, việc lựa chọn để phát triển trang trại điện mặt trời trên mỏ than bị bỏ rơi cho thấy sự suy giảm của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá ở Trung Quốc và các nước khác trên thế giới.
Vào năm 2015, Thụy Điển đã bắt đầu loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch và tăng cường đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió, lưới điện thông minh và vận chuyển sạch hơn.
Cùng năm đó, Nicaragua cũng cam kết tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 53% lên 90% vào năm 2020.
Trung Quốc là một trong những nước lớn nhất thực hiện một bước đi quan trọng này bằng việc “từ mặt” nhiệt điện than. Năm ngoái, cả nước đã hủy bỏ 104 nhà máy điện than mới đang được xây dựng và phát triển tại 13 tỉnh.
Tờ Business Insider đưa tin, mặc dù Hoa Kỳ đã dùng nhiên liệu hóa thạch trong năm 2018 ít hơn, Tổng thống Donald Trump vẫn hứa sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp than đang gặp khó khăn của đất nước.
Ngày nay, nhiệt điện than vẫn chiếm trên 40% sản lượng điện của thế giới, nhưng trong vòng 10 năm tới, các chuyên gia năng lượng dự đoán rằng than sẽ cao điểm và sau đó giảm giá. Đồng thời, các nguồn năng lượng sạch hơn như mặt trời và gió, sẽ trở nên rẻ tiền.
Tác giả: Hồng Vân (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí