Giao diện trang web tố cáo gián điệp của Trung Quốc - Ảnh: SCMP |
Trang web chính thức hoạt động vào ngày 15.4, có hai giao diện tiếng Trung và tiếng Anh. Trên đây, MSS liệt kê các hành vi mà người dân có thể tố cáo, bao gồm thông đồng với nước ngoài, âm mưu “chia cắt đất nước” và kích động “lật đổ quyền lực nhà nước” thông qua tin đồn, lời lẽ phỉ báng hoặc cách thức khác. Ngoài ra, lợi dụng tôn giáo để tiến hành hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hay hối lộ quan chức để tiếp cận những tài liệu mật, “bí mật quốc gia” cũng được đề cập trong danh sách.
Người dân nhấn chọn mục mô tả hành vi phạm tội, rồi tiếp tục chọn mức độ khẩn cấp của tố cáo, và cuối cùng là đính kèm những tài liệu chứng minh cho tố cáo của mình. Trong biểu mẫu tố cáo, trang web cam kết sẽ bảo vệ danh tính người tố cáo, nhưng cũng cảnh báo họ sẽ phải chịu hậu quả khi cố ý ngụy tạo chứng cứ hay bóp méo sự thật.
Trên trang web, MSS cũng cho biết sẽ có một khoản tiền thưởng cho những ai có đóng góp đáng kể cho công tác chống gián điệp nước ngoài. Số tiền thưởng cụ thể không được cho biết.
Vào tháng 4.2017, giới chức thủ đô Bắc Kinh tuyên bố thưởng 10.000- 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 1.500- 73.000 USD) cho người cung cấp thông tin về gián điệp.
MSS còn đưa một đoạn truyện tranh để hướng dẫn người dân nhận biết những thái độ đáng nghi ngờ. Nhân vật chính trong phim là một người nước ngoài làm việc cho một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy quyền của người lao động tại Trung Quốc. Người này đã hối lộ quan chức để tổ chức các cuộc họp và biểu tình công nhân, do đó đã bị tố cáo.
Vào năm 2016, giới chức Bắc Kinh cũng từng phát hành nhiều truyện tranh cảnh báo công dân nước này không nên có liên hệ với người nước ngoài, vì đây là cách các điệp viên ăn cắp bí mật nhà nước.
Truyện tranh tuyên truyền về gián điệp nước ngoài được dán ở khắp nơi - Ảnh: Getty Images |
Mở trang web tố cáo là một trong nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại thuộc dự án Kim Thuẫn, nhằm nâng cao khả năng giám sát và đối phó của hệ thống an ninh nội địa Trung Quốc.
Trước trang web tố cáo, Bắc Kinh còn tiến hành lắp nhiều máy quay giám sát ở khắp nơi và kết hợp chúng với công nghệ nhận khuôn mặt. Nước này đã có 176 triệu máy quay hoạt động trong năm 2017 và dự kiến tăng số máy quay lên 626 triệu vào năm 2020.
Trong tuần trước, hệ thống này đã phát hiện đối tượng truy nã giữa đám đông 60.000 người tham gia một buổi biểu diễn âm nhạc. Cảnh sát ngay lập tức có mặt và bắt được đối tượng này.
Tác giả: Cẩm Bình
Nguồn tin: motthegioi.vn