Trung Quốc xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng trên đá Chữ Thập (Ảnh: AMTI) |
Truyền thông Australia ngày 3/1 dẫn nguồn một bài bình luận đăng trên tờ Global Times của Trung Quốc hôm 31/12 cảnh báo việc Australia “can thiệp” vào các vấn đề khu vực có thể khiến Bắc Kinh “thông qua các biện pháp trả đũa, gây tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Australia”.
Global Times cũng cáo buộc Australia đã có những hành động “bảo thủ”, “gây nguy hại không chỉ cho lợi ích của Trung Quốc mà còn đối với lợi ích lâu dài của Australia”. Bắc Kinh cảnh báo rằng điều này có thể khiến gia tăng các mâu thuẫn và đẩy thế tiến thoái lưỡng nan mang tính chiến lược “đến mức độ tồi tệ nhất”.
Bài báo chỉ ra rằng việc Australia “quá thân mật với Mỹ” đã dẫn tới sự sự mất cân bằng trong chiến lược của Canberra và thu hẹp không gian chiến lược của nước này.
“Trong vấn đề Biển Đông, Australia luôn theo chân Mỹ, thách thức chủ quyền và các lợi ích trên biển của Trung Quốc. Điều này sẽ hủy hoại các mối quan hệ với Trung Quốc, ảnh hưởng tới sự cân bằng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, giảm sự độc lập của Australia về chính sách đối ngoại. Khi quan hệ Trung - Mỹ trở nên căng thẳng, Australia sẽ phải lựa chọn một trong hai và rơi vào thế khó khăn hơn”, Global Times viết.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho biết Trung Quốc đã liên tục phản ứng kể từ khi Australia ra Sách Trắng Ngoại giao về vấn đề Biển Đông hồi tháng 11/2017.
Trong văn kiện này, Australia lên án việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về mức độ và quy mô của các hành động đơn phương của Trung Quốc tại khu vực này.
“Australia phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo và các khu vực tranh chấp trên Biển Đông cho các mục đích quân sự. Chúng tôi ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế”, Sách Trắng của Australia viết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức đã ra tuyên bố đề nghị Australia “tránh xa” vấn đề này.
“Australia không phải là một bên liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đông. Chúng tôi hy vọng Australia sẽ giữ cam kết là không nghiêng về bên nào trong vấn đề này và dừng ngay việc đưa ra các tuyên bố thiếu thận trọng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Australia đã triển khai một đội gồm 6 tàu chiến tham gia các cuộc tập trận tại Biển Đông. Điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Trong năm 2017, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng trái phép tại Biển Đông, tuy nhiên Bắc Kinh đã chuyển sang giai đoạn mới là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các căn cứ không quân và hải quân tại khu vực này.
Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, trong năm qua Trung Quốc đã xây dựng thêm 290.000 m2 cơ sở hạ tầng mới trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm các “kho” dự trữ ngầm và lắp đặt hệ thống radar cao tần.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí