Reuters đưa tin hôm 14/11, trong bản báo cáo thường niên, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ cần có danh sách phân loại các cơ quan, doanh nghiệp và giới chức Trung Quốc bị cáo buộc có mối liên hệ làm ăn với Triều Tiên. Đây sẽ là căn cứ để Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Cũng theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, trước đây Trung Quốc đã thi hành chặt chẽ các lệnh trừng phạt áp đặt với Triều Tiên nhưng kể từ năm 2017 và đầu năm nay, Bắc Kinh đã có sự lơ là.
Đặc biệt sau cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hồi tháng Sáu, việc thi hành lệnh trừng phạt với Triều Tiên của Trung Quốc lại càng được nới lỏng.
“Trung Quốc dường như đã xóa bỏ các lệnh trừng phạt từng được thi hành với Triều Tiên bất chấp lời cam kết duy trì lệnh trừng phạt cho tới khi Triều Tiên từ bỏ hẳn vũ khí hạt nhân”, bản báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung viết.
Cũng theo bản báo cáo này, “các công nhân Triều Tiên đã quay trở lại làm việc ở khu vực phía đông bắc Trung Quốc, các hoạt động kinh tế và du lịch ở những thị trấn biên giới cùng các chuyến bay giữa hai nước cũng đã được nối lại. Hai nước còn tiến hành những cuộc trao đổi cấp cao chính thức để thảo luận về chương trình phát triển kinh tế song phương”.
Theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, Trung Quốc vẫn luôn đóng vai trò then chốt trong cuộc sống ở Triều Tiên. Ngoài ra, không ít "lỗ hổng" đã xuất hiện trong quá trình thi hành lệnh trừng phạt như hoạt động trao đổi hàng hóa giữa các tàu thuyền ngay trên biển.
Kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên nhằm ngăn chặn dòng tiền từ nước ngoài hỗ trợ cho chương trình phát triển vũ khí của chính quyền Bình Nhưỡng. Hồi năm ngoái, Mỹ còn ban hành lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc và nước ngoài trước cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt áp dụng với Triều Tiên.
Về phần mình, Trung Quốc và Nga từng nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên trao thưởng cho Bình Nhưỡng vì “những tiến triển tích cực” sau cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim cũng như việc Triều Tiên cam kết giải trừ hạt nhân.
Hiện Bộ Tài chính Mỹ chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào liên quan tới bản báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc sẽ thi hành nghiêm túc lệnh trừng phạt cho tới khi Triều Tiên từ bỏ hẳn các loại vũ khí hạt nhân.
Tác giả: Minh Thu
Nguồn tin: Báo Infonet