Trong nước

Trình tự miễn nhiệm Chủ tịch nước được thực hiện như thế nào?

Ngày 17/01/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tuy nhiên, chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026 thì phải theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Cụ thể, chức danh Chủ tịch nước là do Quốc hội bầu ra nên khi Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức Chủ tịch nước thì Quốc hội là cơ quan tiến hành miễn nhiệm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương khoá XIII. Ảnh TTXVN



Trình tự miễn nhiệm Chủ tịch nước

Căn cứ khoản 1 Điều 43 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 có quy định khi miễn nhiệm Chủ tịch nước, quy trình được thực hiện như sau:

- Cơ quan, người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu trình Quốc hội miễn nhiệm chứng danh.

- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;

- Đại diện cơ quan hoặc người có thẩm quyền báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội;

- Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, người được đề nghị miễn nhiệm, người bị đề nghị bãi nhiệm, cách chức có quyền phát biểu ý kiến;

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;

- Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức bằng hình thức bỏ phiếu kín;

- Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết;

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức;

- Quốc hội thảo luận;

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

- Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.

Đối với Hội đồng Quốc phòng, an ninh :

Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh.

Hội đồng quốc phòng và an ninh gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn. Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Hội đồng quốc phòng và an ninh trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Phúc (69 tuổi), quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông có trình độ cử nhân kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, XIII; ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV, XV.

Ông là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 5-4-2021 đến nay.

Trước khi được bầu làm Chủ tịch nước, ông từng giữ các cương vị Thủ tướng Chính phủ (2016 - 2021), Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Tác giả: Tùng Anh

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP