Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 2 vụ TNGT mà nguyên nhân trực tiếp là do trâu bò thả rông. Đó là vụ tai nạn trên tuyến đường sắt bắc - nam ngày 26-1-2017 tại km số 529+700 (đoạn đi qua xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) đã làm chết 18 con bò; vụ TNGT đường bộ xảy ra ngày 25-9-2017, tại km số 613+600 trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch), làm chết 8 con trâu. Tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng những vụ tai nạn nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và đe dọa tính mạng của người dân.
Ngoài những vụ tai nạn nêu trên, trâu bò thả rông đã trực tiếp gây ra nhiều vụ va chạm giao thông khác. Trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, 12A... tình trạng người dân lùa trâu bò hoặc trâu bò lững thững đi trên đường, thậm chí nằm nghỉ ngơi, án ngữ hết lối đi thường xuyên xảy ra.
Gặp cảnh này, người sử dụng phương tiện, dù là ô tô, mô tô, xe đạp... đều phải kiên nhẫn chờ đợi trâu bò đi hết hoặc tìm cách tránh nếu chúng án ngữ giữa đường. Trong nhiều trường hợp, người tham gia giao thông được những phen hú vía khi bất thình lình vài con trâu, bò rượt đuổi nhau trên đường.
Tình trạng trâu bò “lưu thông” cùng phương tiện giao thông trên Quốc lộ 1A (đoạn qua thị xã Ba Đồn) rất dễ xảy ra tai nạn. Ảnh: Tiến Hành |
Đoạn đường Hồ Chí Minh qua xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) là một ví dụ điển hình về tình trạng chăn thả rông trâu bò và những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Trên đoạn đường này, vào buổi chiều, hàng đàn trâu bò về “tập kết” giữa lòng đường. Không chỉ đơn giản là chiếm giữ phần lòng đường, chúng còn thải phân gây mùi xú uế nồng nặc, mặt đường quánh lại bởi chất thải chồng lên ngày này qua ngày khác.
Anh Cao Hữu Cường, thị trấn Quy Đạt cho biết: “Mỗi khi đi qua đây, nhất là vào những buổi chiều mùa hè, việc đàn trâu bò “xâm chiếm” lòng đường khiến người tham gia giao thông lo lắng. Người quen đường thì còn chủ động giảm tốc độ để phòng tránh, người lạ đi qua đây rất dễ “mắc bẫy” của chúng.
Chưa kể việc chúng còn thải phân gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan. Mong rằng cơ quan chức năng cần chấn chỉnh tình trạng này để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân cũng như cảnh quan môi trường trong khu vực”.
Còn anh Trần Thương Anh, một du khách từ Hà Nội vào Quảng Bình du lịch bằng xe ô tô cho biết, anh và các thành viên trên xe đã bị một phen hoảng hốt khi trong đêm, giữa đoạn đường thẳng tắp và rộng thênh thang bất ngờ xuất hiện cả đàn trâu bò nằm ngủ. “Cũng may là buổi tối nên tôi chạy chậm, không thì chưa biết hậu quả sẽ như thế nào!”, anh Anh chia sẻ.
Trên các tuyến đường du lịch thuộc địa bàn huyện Bố Trạch, trâu bò thả rông cũng là cái “bẫy” đối với du khách. Chị Trần Thị Thanh (thành phố Đồng Hới) cho biết: Trong khi đạp xe đi dạo dọc tuyến đường chạy song song với sông Son thuộc xã Sơn Trạch vào buổi tối, chị đã va chạm với đàn bò nằm bên đường.
Nếu là xe mô tô hoặc ô tô, hậu quả của vụ va chạm chắc chắn sẽ nặng nề hơn. Cũng theo chị Thanh, việc trâu bò thả rông lang thang tại các điểm du lịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh môi trường và cảnh quan du lịch tại đây.
Trên địa bàn các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch, thậm chí ngay giữa trung tâm thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, tình trạng trâu bò thả rông vẫn thường xảy ra. Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2017, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng thả rông trâu bò, góp phần đẩy lùi nguy cơ TNGT.
Một số giải pháp trọng tâm mà Ban ATGT đã và đang chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai là: chú trọng công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào các nội dung như không được thả rông súc vật, dẫn dắt súc vật đi dạo trên phần đường dành cho xe cơ giới, nghiêm cấm chăn thả trâu bò trên đường sắt... Vai trò của người đứng đầu trong bảo đảm trật tự ATGT nói chung, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trâu bò thả rông nói riêng, tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong hoạt động của các mô hình tự quản về ATGT tại các thôn, xóm, tổ dân phó, cần chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở, ngăn chặn các hành vi vi phạm của các hộ dân. Việc xử phạt của cơ quan chức năng đối với những hành vi vi phạm cần được tiến hành nghiêm minh, bảo đảm hiệu quả và sự răn đe, góp phần ngăn chặn được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra...
Tác giả: Diệu Cầm
Nguồn tin: baoquangbinh.vn