Giáo dục

Tranh luận soạn giáo án của giáo viên viết bằng tay

Nhiều ý kiến của những người làm trong ngành giáo dục tranh luận quanh vấn đề cần hay không việc soạn giáo án viết tay. Và nếu cần, làm thế nào để giáo án không phải là một “cái án” của giáo viên.


0 1477321042 1477387507
Một tiết tập đọc của học sinh lớp 3/9 Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Giáo án điện tử của giờ học này có hình ảnh minh họa sinh động - Ảnh: N.HÙNG

Phòng GD-ĐT một huyện tại Thanh Hóa quy định giáo viên phải soạn giáo án viết tay thay vì đánh máy, in ấn.

Quy định này làm nhiều người bất ngờ bởi từ lâu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học luôn được khuyến khích.

Bên cạnh đó cũng có những lo ngại rằng với giáo án điện tử, nhiều giáo viên không tự soạn mà sao chép của người khác, ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.

Giáo án hay “cái án” của nhà giáo?

Thầy Trần Văn Tám, hiệu phó Trường trung học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM, kể ví von: Cách đây hơn 15 năm, nói đến giáo án thì giáo viên mười người như một đều thốt lên: “Đó là “cái án” của nhà giáo!”. Bởi vì nó đứng hàng đầu trong bốn khâu cực nhất của nghề dạy học: “soạn - giảng - chấm - trả”.

Thầy Tám cho biết với những giáo viên có thâm niên còn tương đối dễ thở vì quen cách soạn bài, còn giáo viên mới ra trường thì khổ sở biết chừng nào.

Giáo viên dạy tiểu học người nào giỏi lắm sẽ dành hẳn buổi ở nhà viết tay hết bài cho 4, 5 môn học ngày hôm sau, còn không ban đêm sẽ phải dành thêm một khoảng thời gian và công sức cho việc soạn bài.

Đó là chuyện của mươi mười năm trước. Còn bây giờ thời đại công nghệ thông tin (CNTT) phát triển như vũ bão, nhiều ngành nghề ứng dụng CNTT để giải quyết công việc nhanh, gọn, hiệu quả cao thì sao lại ép giáo viên không được áp dụng những tiện ích của máy tính, mạng Internet trong việc thiết kế bài dạy?

“Ngành giáo dục ở địa phương Thanh Hóa, Hà Nội buộc giáo viên phải soạn giáo án bằng cách viết tay, sao lại còn tồn tại kiểu này? Như thế khác nào làm khổ giáo viên vì họ không thể nào thoát ra “cái án” mà họ cứ quanh quẩn bấy lâu?”, thầy Trần Văn Tám nói.

Thầy Lê Đức Tài, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), bày tỏ sự không đồng tình với việc yêu cầu giáo viên soạn giáo án viết bằng tay vì không những không có tác dụng đẩy lùi việc sao chép mà có khi còn mất thời gian, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên.

“Nếu muốn sao chép thì giáo án viết tay người ta vẫn có thể sao chép. Nếu bắt giáo viên soạn giáo án bằng tay thì vừa mất thời gian, vừa gò bó họ trong khuôn khổ tập viết, không kích thích sự sáng tạo”, thầy Lê Đức Tài nhận định.

Cô Quỳnh Trang, giáo viên THPT ở TP.HCM, bày tỏ sự bất ngờ trước thông tin có nơi giáo viên được yêu cầu phải soạn giáo án bằng tay. Theo cô, đây là yêu cầu không phù hợp với thời đại khi trên thế giới mọi người đều làm việc bằng máy tính.

“Việc soạn giáo án bằng máy tính sẽ giúp giáo viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Mặt khác, nếu 5,7 năm sau khi phát hiện một vài chi tiết nào đó chưa phù hợp, giáo viên có thể chỉnh sửa rất nhanh chóng, tiện lợi, thay vì phải viết tay sửa đè trên giáo án cũ”, cô Trang chia sẻ.

Với cô Quỳnh Trang, để việc giảng dạy tốt, giáo viên phải soạn giáo án dù có ai kiểm tra hay không. Giáo án của mỗi giáo viên không thể giống nhau bởi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mang tính cá nhân như trình độ, quá trình trải nghiệm, sự đầu tư, sáng tạo… Với lương tâm của nhà giáo thì ai cũng có một bộ giáo án của riêng mình.

Do đó, việc yêu cầu giáo viên soạn giáo án bằng tay để hạn chế việc sao chép, theo cô Quỳnh Trang ,là một yêu cầu không thiết thực.

Giáo án điện tử nhưng đừng chép của nhau

Đồng tình với việc nên soạn giáo án điện tử nhưng một số người cũng có ý kiến băn khoăn về việc có thầy cô không tự soạn giáo án.

Ủng hộ việc giáo viên soạn giáo án điện tử nhưng thầy Trần Văn Tám bày tỏ những băn khoăn của mình quanh việc một số giáo viên vô tư chép giáo án của nhau, những lỗi sai cũng y chang nhau.

“Mấy năm trước tôi là CTV thanh tra, thường được điều động tham gia kiểm tra hoạt động sư phạm nhà giáo. Chúng tôi có phát hiện những giáo viên dạy cùng khối của một trường có giáo án nội dung giống nhau như đúc, chỉ khác nhau về font chữ.

Trong giáo án có những sai sót giống nhau hết sức ngô nghê, lỗi chính tả nhiều, thậm chí giáo viên đứng lớp tên này nhưng giáo án điện tử lại đề tên khác, trường khác…Mặt khác, vì giáo án không phải của mình nên cũng có giáo viên tỏ ra lúng túng khi giảng dạy đúng trình tự đã soạn”, thầy Trần Văn Tám chia sẻ.

Vì thế, theo thầy Trần Văn Tám, việc sử dụng giáo án thời @ sẽ hiệu quả hơn khi giáo viên tự mình soạn hay chỉnh sửa giáo án người khác một cách khoa học, sáng tạo, phù hợp với trình độ học sinh lớp mình phụ trách.

“Nếu giáo viên cứ vô tư in giáo án qua loa cho có lệ để đối phó ban giám hiệu hay thanh tra viên thì cũng có ngày cũng bị rối, dạy không tốt”, thầy Tám đúc kết.

Về vấn đề này, thầy Lê Đức Tài cho rằng với giáo án điện tử, việc các giáo viên trao đổi giáo án với nhau để tham khảo là điều bình thường vì đó đều là những kiến thức nền tảng. Từ nền tảng đó, mỗi giáo viên sẽ có sự đầu tư, sáng tạo, làm phong phú, hấp dẫn hơn cho bài giảng bằng những kiến thức, thông tin cập nhật…

“Nên chăng thay vì đi kiểm tra giáo án thì hãy thường xuyên đi dự giờ trực tiếp và đánh giá giáo viên bằng tiết dạy của họ. Có rất nhiều cách đánh giá chuyên môn, chứ không phải chỉ đánh giá trên giáo án”, cô Quỳnh Trang nói.

Tác giả bài viết: VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP