Thế giới

Tranh cãi con đường đặc biệt dẫn đoàn cấp cao Triều Tiên sang Hàn Quốc

Thay vì di chuyển theo lộ trình ban đầu, phái đoàn cấp cao Triều Tiên do Phó Chủ tịch đảng Lao động Kim Yong-chol dẫn đầu đã đi theo một hướng khác để sang Hàn Quốc.

Ông Kim Yong-chol dẫn đầu đoàn Triều Tiên sang Hàn Quốc dự bế mạc Thế vận hội ngày 25/2 (Ảnh: Reuters)

Theo kế hoạch ban đầu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol và đoàn quan chức cấp cao Triều Tiên sẽ đi qua cầu Tongil ở Paju, phía bắc thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào ngày 25/2 trước khi dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông diễn ra vào buổi tối cùng ngày.

Tuy nhiên rốt cuộc, đoàn xe chở và tháp tùng phái đoàn cấp cao Triều Tiên chọn một lối đi khác qua cầu Jeonjin, một cơ sở quân sự cách cầu Tongil 10km về phía đông, để tránh những người biểu tình đang chặn ngang đường vào thời điểm đó.

Những người tham gia biểu tình là các nghị sĩ thuộc đảng Hàn Quốc Tự do và các nhà hoạt động bảo thủ của Hàn Quốc. Họ phản đối kịch liệt chuyến thăm của ông Kim Yong-chol do ông bị cáo buộc có liên quan tới nhiều vụ tấn công nhằm vào Hàn Quốc, trong đó có vụ đánh chìm tàu hải quân khiến 46 thủy thủ thiệt mạng năm 2010. Ông Kim Yong-chol là quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới quan hệ liên Triều, đồng thời là người đứng đầu hoạt động tình báo và chống Hàn của Triều Tiên

Việc chính phủ Hàn Quốc cho phép phái đoàn Triều Tiên đi qua cây cầu Jeonjin trên đường 372 ở khu vực biên giới chung giữa hai nước đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng đây là con đường quan trọng chiến lược và việc đưa các quan chức Triều Tiên, trong đó có ông Kim Yong-chol, di chuyển qua khu vực này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đã để lộ các thông tin quan trọng liên quan tới an ninh biên giới cho phái đoàn Triều Tiên.

Những người biểu tình tập trung trên cầu Tongil để phản đối phái đoàn cấp cao Triều Tiên sang Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap)

Theo những người chỉ trích, phái đoàn Triều Tiên đã có “cơ hội” được tận mắt nhìn thấy nhiều khu vực hoạt động quân sự cũng như các căn cứ quân sự của Hàn Quốc, đặc biệt khi đi qua cây cầu bắc qua sông Imjin. Cây cầu này được chính quyền địa phương và lực lượng quân sự xây dựng từ năm 1984.

Cầu Jeonjin nằm ở phía nam Vùng Phi quân sự liên Triều (DMZ), nơi chia tách biên giới Hàn - Triều và là khu vực được vũ trang nghiêm ngặt nhất trên bán đảo Triều Tiên. Cư dân địa phương thỉnh thoảng đi qua cây cầu này, trong khi những người dân thường khác cũng được phép qua cầu nếu được cho phép từ trước.

Khi được hỏi về việc cho phép phái đoàn Triều Tiên đi qua cầu Jeonjin, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quyết định này được đưa ra sau khi có ý kiến tham vấn của các cơ quan chính quyền liên quan. Cơ quan này khẳng định Đường 372 là một tuyến đường bình thường, không phải là khu vực chiến lược hay quân sự.

“Cỏ vẻ như (phái đoàn Triều Tiên) sẽ không thể biết được các thông tin quân sự nếu xét đến tốc độ di chuyển của các phương tiện và những tuyến đường họ đi qua”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo phát biểu trong cuộc họp báo.

Trong khi đó, khoảng 300 vận động viên, cổ động viên và phóng viên Triều Tiên hôm nay 26/2 đã lên đường từ Hàn Quốc về nước qua cây cầu Tongil, nơi được xem là cửa ngõ cho hầu hết các chuyến đi xuyên qua biên giới hai nước, sau lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông vào tối qua.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP