Ngày 26/1, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm quản lý giao thông công cộng trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.
Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TPHCM – cho biết, hệ thống vận tải hành khách công cộng trong tương lai của thành phố sẽ có quy mô lớn hơn hiện nay, các phương thức như metro, tramway, monorail, BRT (xe buýt nhanh), xe buýt, taxi các tuyến xe điện, buýt đường sông…
TPHCM mới đưa vào khai thác trạm trung chuyển xe buýt Bến Thành với nhiều tính năng hiện đại, thân thiện môi trường |
Trong giai đoạn trước mắt (từ nay đến năm 2022), hệ thống giao thông công cộng thành phố tiếp tục phát triển và bắt đầu tiếp nhận các mô hình dịch vụ mới (xe buýt nhanh, tuyến metro số 1), Trung tâm quản lý giao thông công cộng sẽ đảm nhận công tác quản lý và điều hành toàn bộ hệ thống xe buýt, xe buýt nhanh, xe taxi, buýt đường thủy…
Từ năm 2023, khi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện theo quy hoạch, tuyến số 1 được khai thác, giao thông công cộng thành phố sẽ đảm nhận từ 20%-30% nhu cầu đi lại của người dân.
“Khi đó, Trung tâm quản lý giao thông công cộng sẽ được nâng cấp và trực thuộc UBND TPHCM, bổ sung chức năng nhiệm vụ, trở thành một cơ quan quản lý nhà nước thống nhất một đầu mối quản lý giao thông công cộng, phù hợp với mô hình quản lý giao thông công cộng của các thành phố hiện đại trên thế giới”, ông Cường nói.
Năm 2017 đánh dấu cột mốc quan trọng khi số người sử dụng phương tiện giao thông công cộng tăng so với năm 2016, đồng thời chấm dứt chuỗi nhiều năm liền sụt giảm lượng hành khách.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí