Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có bài viết cho tờ Washington Post, trong đó ông cho rằng: “Tôi không tin một chút nào là Quốc vương Salman đã ra lệnh giết ông Khashoggi”. Ông Erdogan nhấn mạnh, “không có lý do gì để cho rằng vụ sát hại này phản ánh chính sách chính thức của Ả Rập Xê út”, vì vậy “sẽ là sai lầm nếu coi vụ việc Khashoggi là một vấn đề giữa hai nước”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ |
Tuy nhiên, ông Erdogan cũng nói rõ rằng tình bằng hữu vốn có giữa Ả Rập Xê út và Thổ Nhĩ Kỳ “không có nghĩa là Ankara sẽ bỏ qua vụ sát hại xảy ra ngay trước mắt mình”.
Ông Erdogan cũng chỉ trích công cuộc điều tra của phía Ả Rập cho đến nay khi nhấn mạnh rằng “nỗ lực của một số quan chức Ả Rập bây giờ dường như chỉ để che đậy vụ việc chứ không phải thực hiện vì mục đích công lý”.
“Mặc dù Riyadh đã bắt giam 18 nghi phạm, song lại không có hành động mạnh mẽ nào đối với Tổng lãnh sự quán Ả Rập ở Instanbul, người này đã bay khỏi Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau vụ việc. Tương tự như vậy, công tố viên trưởng của Ả Rập Xê út trong chuyến thăm người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã từ chối hợp tác điều tra và trả lời những câu hỏi đơn giản một cách rất qua loa và tức tối”, ông Erdogan cho biết.
Nhà báo Khashoggi bị sát hại hôm 2/10 bên trong Lãnh sự quán Ả Rập Xê út ở Istanbul, nơi ông tới để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để tổ chức đám cưới với bạn gái. Chính quyền Ả Rập phủ nhận cáo buộc đã ra lệnh thực hiện vụ sát hại này mà chỉ thừa nhận rằng nhà báo Khashoggi đã chết sau khi ẩu đả với một số người đàn ông bên trong tòa nhà lãnh sự. Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng ông Khashoggi bị ám sát bởi một nhóm người Ả Rập có chủ đích thực hiện vụ việc từ trước.
Hồi đầu tuần này, công tố viên Irfan Fidan của Thổ Nhĩ Kỳ thông tin trước báo giới, nhà báo Khashoggi “đã bị siết cổ ngay khi vừa bước vào lãnh sự quán” và vụ việc là “một âm mưu đã lên kế hoạch trước”. “Sau khi bị siết cổ đến chết, thi thể của ông Khashoggi đã bị phân hủy, điều này một lần nữa cho thấy rõ ràng đã có kế hoạch ám sát”, công tố viên khẳng định.
Nhà báo Ả rập Xê út Jamal Khashoggi, người từng làm việc cho tờ báo Washington Post của Mỹ và sống ở Mỹ từ năm 2017. Ông Khashoggi được ghi nhận mất tích ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/10 sau khi ông vào tòa nhà Tổng lãnh sự quán A rập Xê út ở Istanbul.
Vào đêm ngày 20/10, Đài truyền hình quốc gia Ả rập Xê út đã công bố thông điệp của Tổng công tố viên nước này, theo dữ liệu sơ bộ, nhà báo Khashoggi tử vong sau một cuộc tranh cãi với nhân viên lãnh sự quán. Liên quan đến vụ việc này, có 18 người đã bị bắt giữ.
Vụ việc không những gây nên căng thẳng ngoại giao giữa A rập Xê út và Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao các nước Anh, Đức và Pháp đã đưa ra một thông cáo chung bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và yêu cầu câu trả lời rõ ràng từ Riyadh.
Cái chết của nhà báo kỳ cựu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ của vương quốc này với đồng minh thân cận nhất là Mỹ. Như đã biết, Hoa Kỳ và Ả rập Xê út có mối quan hệ trong các lĩnh vực ổn định thị trường dầu, thương mại, bán vũ khí, hợp tác trong các nỗ lực hòa bình Trung Đông và chống khủng bố. Washington coi Riyadh là đồng minh quan trọng để kiềm chế sức mạnh của Iran trong khu vực.
Tác giả: Tuệ Minh
Nguồn tin: Báo Infonet