Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trả lời phỏng vấn CNN. Ảnh: CNN
"Tôi đang đi nghỉ cùng vợ, con rể và các cháu tại thị trấn nghỉ dưỡng Marmaris thì nhận được tin báo tối thứ sáu rằng có một số biến động ở Istanbul, Ankara và nhiều thành phố khác", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kể lại với CNN hôm qua.
Tướng Umit Dundar, tư lệnh Quân đoàn 1, đã liên lạc với Tổng thống Erdogan khoảng một giờ trước khi cuộc đảo chính bắt đầu, để thông báo với ông rằng trực thăng của phe đảo chính đang di chuyển tới khách sạn nơi ông đang ở.
Cùng với các thành viên trong gia đình và vài người "rất thân cận", ông Erdogan đã nghe theo lời khuyên của tướng Dundar, lên máy bay để di chuyển tới một địa điểm an toàn hơn. Khoảng 20 phút sau, trực thăng của phe đảo chính đột kích khách sạn. 25 lính đặc nhiệm của phe đảo chính sử dụng dây thừng tụt xuống nóc nhà, đấu súng dữ dội với lực lượng cảnh sát bảo vệ với ý đồ rõ ràng là để bắt cóc hoặc thủ tiêu Tổng thống. Trận giao tranh chỉ kết thúc khi phe đảo chính nhận ra Tổng thống không còn ở đó.
Tuy nhiên, nguy hiểm chưa phải đã hết với ông Erdogan. Khi chiếc chuyên cơ chở ông và gia đình tiến vào bầu trời Istanbul, nó đã lọt vào tầm ngắm của hai chiếc chiến đấu cơ F-16 do phi công đảo chính điều khiển. Phi công đã bật radar khóa mục tiêu vào chiếc máy bay, sẵn sàng khai hỏa.
Ông Erdogan đã thoát hiểm trong gang tấc, khi cơ trưởng điều khiển chiếc chuyên cơ nhanh trí liên lạc với phi công tiêm kích F-16 qua sóng vô tuyến rằng đây chỉ là một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Turkish Airlines, một quan chức chống khủng bố cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Hai chiếc F-16 không khai hỏa, và chiếc chuyên cơ tiến gần tới sân bay Ataturk. Chiếc máy bay lượn nhiều vòng trên bầu trời, và họ phát hiện đài kiểm soát không lưu ở sân bay đã nằm dưới sự kiểm soát của binh lính phe đảo chính, ông Erdogan nói. Khi nhận thấy dải đèn dọc đường băng đã bị tắt, ông Erdogan và phi công xem xét khả năng hạ cánh bằng đèn chiếu sáng trên máy bay.
Đúng lúc đó, các lực lượng trung thành với ông Erdogan chiếm lại được đài kiểm soát không lưu, và chiếc chuyên cơ có thể hạ cánh bình thường. "Ngay khi chúng tôi vừa hạ cánh trên đường băng, những âm thanh lớn vang lên trên bầu trời. Hai chiếc F-16 bay sát sạt ngay trên đầu chúng tôi", ông Erdogan kể.
Khi những chiếc xe tăng của phe đảo chính đang đè bẹp mọi thứ trên đường phố ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul, Erdogan nói rằng ông quyết định phát thông điệp tới người dân trên cả nước bằng ứng dụng FaceTime, bởi đài truyền hình quốc gia đã bị khống chế.
Ông liên lạc với người dẫn chương trình của đài truyền hình CNN Turk, yêu cầu cô giữ chiếc iPhone trong tay, để khán giả có thể nhìn thấy ông đang nói trực tiếp với họ. Trong thông điệp phát ra, ông Erdogan kêu gọi người dân đứng lên chống lại lực lượng đảo chính. "Hãy đổ ra đường và cho họ câu trả lời".
Trong những giờ phút căng thẳng đó, ông Erdogan nói rằng ông "chưa từng nghĩ đến" việc mình sẽ không còn là Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ trong vòng 12 giờ sau, cuộc đảo chính bị đập tan, và chính phủ thu được "kết quả mong muốn", ông khẳng định.
Trừng phạt
Trong cuộc phỏng vấn, ông Erdogan khẳng định những "kẻ phản bội" cần phải bị xử lý thật nhanh chóng. Ông cũng bác bỏ các cáo buộc rằng chính phủ của ông coi cuộc đảo chính này là cái cớ để đàn áp các đối thủ chính trị.
Bất chấp những lời cảnh báo từ phía Mỹ và EU về hậu quả tiêu cực nếu Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm các tiêu chuẩn về dân chủ và nhân quyền trong cuộc thanh trừng hậu đảo chính, ông Erdogan không loại trừ khả năng thi hành án tử hình với hàng nghìn người đã bị bắt giữ vì tham gia binh biến.
"Người dân đang có ý nguyện rằng, sau quá nhiều vụ khủng bố, giờ đây những kẻ khủng bố cần phải bị tử hình. Đó là ý kiến của họ, họ không nhìn thấy bất cứ khả năng nào khác", ông nói.
"Tại sao tôi phải nhốt những kẻ đảo chính trong tù và nuôi chúng trong nhiều năm tới? Đó là những gì người dân nói. Họ muốn một cái kết nhanh chóng, vì họ đã mất nhiều người thân, láng giềng, con cái. Họ đã phải chịu đựng nhiều, và giờ đây họ rất nhạy cảm, thế nên chúng tôi cũng phải hành động rất nhạy cảm", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Erdogan cũng nói rằng Quốc hội sẽ ra quyết định về việc thay đổi hiến pháp nhằm áp dụng trở lại án tử hình. "Nếu họ chấp nhận thảo luận và nhất trí điều đó, tôi với tư cách là Tổng thống sẽ phê chuẩn bất cứ quyết định nào của Quốc hội", ông nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ hoàn toàn án tử hình vào năm 2004, trong một nỗ lực cải thiện nhân quyền để có thể xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục án tử hình, họ sẽ không được chấp nhận vào EU, Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Federica Mogherini nói hôm qua.
Tác giả bài viết: Trí Dũng