Một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên (Ảnh: KCNA) |
Năm 2017, chương trình vũ khí của Triều Tiên không còn là “trò cười” của cộng đồng quốc tế như những năm trước đây. Thay vào đó, việc Bình Nhưỡng kiên trì phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo khiến các nước phải xem xét nghiêm túc tới nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên.
Chiều hướng thay đổi này không thể hiện ở sự gia tăng đột biến trong số vụ thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên hay sự chuyển hướng trong lập trường của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Thực tế, số liệu thống kê cho thấy số vụ thử nghiệm của Triều Tiên năm 2017 tương đương với năm 2016 và những lời đe dọa từ chính quyền Kim Jong-un nhằm vào Mỹ cũng như các quốc gia khác cũng không ít hơn trước đây.
Thử hạt nhân mạnh chưa từng có
Đồ họa so sánh sức công phá của 2 vụ thử hạt nhân Triều Tiên năm 2016 và 2017 (Nguồn: Washington Post) |
Năm 2017, Triều Tiên chỉ tiến hành một vụ thử hạt nhân, ít hơn so với 2 vụ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, sức công phá của vụ thử hạt nhân ngày 3/9 lớn hơn tất cả 5 vụ thử trước đó của Triều Tiên trong vòng 10 năm qua. Hầu hết các chuyên gia đều ước tính sức công phá của quả bom do Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay ít nhất là 140 kiloton. Trong khi đó, một số nhà phân tích còn cho rằng vụ thử này có thể mạnh tới 250 kiloton.
Nếu những con số dự tính trên là đúng thì có nghĩa Triều Tiên đang sở hữu vũ khí mạnh gấp 17 lần so với quả bom Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. So sánh với các vụ thử trước đó, quả bom mạnh nhất do Triều Tiên thử nghiệm trong 10 năm qua mới chỉ nằm trong khoảng từ 10-20 kiloton.
David Wright, đồng giám đốc chương trình an ninh toàn cầu tại Hiệp hội các nhà khoa học có quan tâm (UCS), tin rằng quả bom Triều Tiên thử hôm 3/9 là “bom H thực sự”, đúng như những gì nước này từng tuyên bố trước đó về việc chế tạo một quả bom nhiệt hạch hai tầng. Mức độ nguy hiểm của vũ khí Triều Tiên được cho là đủ để tàn phá một thành phố.
Tên lửa tầm bắn xa hơn
Tầm bắn của tên lửa Hwasong-15 ước tính khoảng 13.000 km, đặt toàn bộ lục địa Mỹ vào tầm ngắm (Nguồn: Washington Post) |
Dù chỉ thử hạt nhân một lần trong năm nay, nhưng tính đến thời điểm hiện tại Triều Tiên đã tiến hành ít nhất 20 vụ thử tên lửa trong năm 2017.
Sau các vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 7, giới chuyên gia phỏng đoán một số tên lửa tầm xa của nước này có khả năng là tên lửa đạn đạo liên lục địa, tức là có tầm phóng hơn 5.000 km. Những nghi ngờ này nhanh chóng được xác nhận sau khi Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-15 vào ngày 28/11. Tên lửa mới của Bình Nhưỡng ước tính có tầm phóng lên tới 13.000 km, tức là đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm.
Năm 2016, tên lửa có tầm phóng xa nhất của Triều Tiên cũng chỉ ở mức 4.000 km. Điều này một lần nữa cho thấy bước phát triển vượt bậc của Bình Nhưỡng trong chương trình phát triển tên lửa năm nay. Chuyên gia Wright cho biết tên lửa do Triều Tiên thử nghiệm năm ngoái là Musudan. Mặc dù Musudan vượt trội hơn so với công nghệ tên lửa Scud từng được Liên Xô và sau này là Triều Tiên phát triển, song Musudan vẫn gặp một số vấn đề về kỹ thuật. Sau các vụ thử thất bại năm 2016, Triều Tiên dường như đã ngừng chương trình phát triển Musudan và thay bằng chương trình phát triển tên lửa mới hiện đại hơn.
Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa mới nhất của nước này hay chưa. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng sẽ sớm thành công trong công nghệ này.
Các tên lửa mới
Đồ họa so sánh các vụ thử tên lửa của Triều Tiên năm 2016 và 2017 (Nguồn: Washington Post) |
Chương trình tên lửa của Triều Tiên đã được khởi động từ hàng chục năm trước đây, nhưng tới năm nay số tên lửa mới được nước này hé lộ bất ngờ tăng đột biến, khiến giới chuyên gia “giật mình”.
“Năm nay không chứng kiến số vụ thử tên lửa chiến lược kỷ lục, mà chứng kiến số tên lửa mới kỷ lục của Triều Tiên. Thực tế, hầu hết hệ thống tên lửa được Triều Tiên phóng thử trong năm nay đều chưa từng được nhìn thấy trước đây”, Shea Cotton, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí James Martin, cho biết.
Chỉ trong vòng 1 năm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã “trình làng” 6 hệ thống tên lửa mới. Trong khi trước đó, số tên lửa mới được thử nghiệm trong giai đoạn cầm quyền của cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành lần lượt chỉ là 2 và 3 quả.
“Từ cuối những năm 1980 cho tới năm 2016, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là các biến thể của tên lửa Scud của Liên Xô. Tuy nhiên các tên lửa được Triều Tiên thử nghiệm hiện nay bắt đầu giống các tên lửa hiện đại, với các bộ phận được gắn trên động cơ để điều chỉnh hướng bay của tên lửa. Quan trọng hơn, hai trong số các tên lửa phóng từ mặt đất được Triều Tiên phóng thử trong năm nay, KN-15, sử dụng nhiên liệu rắn thay vì nhiên liệu lỏng”, chuyên gia Wright nhận định.
Tổng hợp các vụ thử tên lửa và hạt nhân Triều Tiên năm 2017 (Nguồn: Washington Post) |
Theo Kingston Reif, giám đốc phụ trách chính sách giảm thiểu đe dọa và giải giáp vũ khí tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn của Triều Tiên có thể được phóng trong thời gian ngắn hơn và Bình Nhưỡng cũng có thể phóng chúng từ các bệ phóng di động, từ đó nâng cao khả năng sống sót của các tên lửa Triều Tiên. Việc có thể nhanh chóng đưa tên lửa lên bệ phóng và phóng trong khoảng thời gian ngắn khiến các hệ thống phòng thủ của đối phương gặp khó khăn trong việc phát hiện các tên lửa này trong giai đoạn đầu.
Chuyên gia Cotton dự đoán với tốc độ phát triển như hiện tại, Triều Tiên trong tương lai có thể chế tạo được tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân thực sự và bay qua Thái Bình Dương. Các chuyên gia cũng nhận định Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tiến xa trong chương trình vũ khí của nước này trong năm 2018.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí