"Trừ ngoại tình, lỗi lầm nào cũng có thể tha thứ"
Có thể nói, ngoại tình là nỗi ám ảnh lớn nhất trong hôn nhân. Ở đa số chị em, lời khẳng định quen thuộc đối với hiểm họa này là: “Lỗi lầm nào cũng có thể tha thứ, riêng ngoại tình thì không!”. Nhiều người vợ có thể chịu đựng mọi thói hư tật xấu của chồng, cho đến khi anh ta… ngoại tình. Và ngược lại, một người vợ, dù hiền thảo, tốt đẹp mọi bề nhưng chỉ cần một lần vướng chuyện tình ái ngoài hôn nhân là lập tức trở thành người “tồi tệ”, “mất hết nhân cách”.
Sự chung thủy, từ bao đời nay, vốn là thước đo tư cách hôn nhân của một người, đặc biệt là trong văn hóa hôn nhân của người Việt. Ngay trong lĩnh vực “thoáng” nhất là văn chương nghệ thuật, hôn nhân Việt Nam dường như cũng chỉ có hai trạng thái: son sắt - được ngợi ca và lang chạ, dối lừa - bị lên án. Phản ứng của con người trước những biến cố về lòng chung thủy cũng chỉ có hai thái cực. Người thay đổi nhất định là kẻ “phản bội”, “xấu xa”, “ích kỷ”, “đáng lên án”. Người ở lại bao giờ cũng “tội nghiệp”, “đáng thương”, “cần được bênh vực”. Trong một cuộc ly hôn, nếu bạn là kẻ ngoại tình, cho dù bạn tốt đến bao nhiêu, đúng tình lý đến thế nào, thì bạn vẫn đương nhiên là người… sai trái, có tội.
Ngoại tình là nỗi ám ảnh lớn nhất trong hôn nhân - Ảnh minh họa
Ngày nay, cuộc sống cởi mở, ít định kiến hơn, nên quan niệm về hôn nhân cũng chuyển biến, khác xưa rất nhiều. Dù vậy, sự chung thủy vẫn giữ vững giá trị. 90,3% số người tham gia khảo sát ở độ tuổi 18 - 40 và 60,1% trong số này cho rằng “sự chung thủy quan trọng hơn tình yêu”. Ngay cả trong nhóm người từ 18 - 22 tuổi, vẫn có đến 67,7% chọn “sự chung thủy” thay vì “tình yêu” - là tối quan trọng trong hôn nhân.
Thử nhìn vào cách cư dân mạng “tham gia” vào một cuộc hôn nhân tan vỡ bất kỳ, sẽ thấy đa số luôn lấy sự thủ y chung làm ranh giới, thước đo. Người ta tẩy chay, "ném đá" không thương tiếc kẻ ngoại tình và người thứ ba; bênh vực, an ủi, cổ vũ người còn lại. Những trận đánh ghen tàn bạo nhân danh lòng chung thủy của người trong cuộc nhận được đồng tình của nhiều cư dân mạng. Khi biến cố hôn nhân có yếu tố “người thứ ba”, người ta sẽ yên tâm buộc tội cho sự không chung thủy mà không cần xem xét thêm một yếu tố nào khác. Qua khảo sát, có 38,4% người tham gia cho rằng “đã ngoại tình thì sẽ chia tay”, 13,9% nhất định ly hôn, không cần đối thoại.
Sự dịch chuyển
Tuy nhiên, trái với những phản ứng bề nổi của xã hội, khi diễn giải về lòng chung thủ y, chỉ có 3,3% số người tham gia khảo sát “thừa nhận” lối định nghĩa này. Thử chia quan niệm về lòng chung thủ y thành bốn cấp độ, cuộc khảo sát ghi nhận có 61,9% người tham gia xem chung thủy là “chung thủy với giá trị của bản thân, thẳng thắn với bạn đời về những đổi thay trong tình cảm của mình”; 19,3% cho rằng “chung thủy là có trách nhiệm với bạn đời, có thể vui thú bên ngoài nhưng không để ảnh hưởng đến hôn nhân”; 2,7% “không tin vào giá trị của sự chung thủy”; 12,7% lựa chọn “khác” và chỉ 3,3% quan niệm “chung thủy là trước sau như một, triệt tiêu những cảm xúc, tình cảm bên ngoài (nếu có) để một lòng một dạ với bạn đời”.
Đã có một sự chuyển biến nào đó trong quan niệm về lòng chung thủy chăng? Có phải với phần đông người Việt hiện đại, sự thay đổi tình cảm và khả năng bảo vệ hôn nhân đã không còn là tiêu chí đánh giá lòng chung thủy? Cụ thể, chỉ có 22,6% người tham gia khảo sát cho rằng, chung thủy là một lòng một dạ với bạn đời, bảo vệ cuộc hôn nhân - dù bằng cách “triệt tiêu cảm xúc” hay “có thể vui thú bên ngoài”. Chiếm số lượng áp đảo là nhóm cho rằng chỉ cần “trung thực với bạn đời về những thay đổi trong tình cảm” là đủ. Thậm chí, ngay cả nhóm lựa chọn “khác” và nhóm “không tin vào giá trị của sự chung thủy” - cũng đã đi khỏi quan niệm đồng nhất sự chung thủy với năng lực “một dạ với bạn đời, bảo vệ hôn nhân”.
Sự dịch chuyển này đã bộc lộ một dáng dấp khác của sự chung thủy, báo hiệu những thái độ khác (hoặc, lẽ ra đã phải khác) của con người trong hôn nhân hiện đại, kèm theo những thay đổi trong phản ứng với biến cố của lòng chung thủy. Theo đó, ngày nay “tư cách hôn nhân” của một người không nằm ở việc anh/cô ấy có “suốt đời chỉ yêu vợ/chồng mình”, “sống chết bảo vệ hôn nhân” hay không; mà chỉ đòi hỏi phải trung thực với giá trị của bản thân, chân thành với bạn đời về những đổi thay trong tình cảm của mình.
Quyền vỡ mộng
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một mâu thuẫn là, trong khi từng câu trả lời cụ thể của cuộc khảo sát cho thấy sự nhận thức rõ ràng, trực diện của người tham gia về tất cả những vấn đề này thì nhận thức đó lại không đồng nhất, thậm chí trái ngược với những diễn biến gay gắt vẫn xuất hiện trong thế giới tình yêu - hôn nhân của người Việt hiện đại.
Một cuộc hôn nhân nổi tiếng gặp trục trặc, chỉ cần phong thanh có tin cô vợ bị “phản bội”, là người đàn ông ấy lập tức trở thành… “người chồng quốc dân” - khiến vô số phụ nữ đùng đùng phẫn nộ như chính mình bị phản bội. Khắp nơi, chị em lên án, chửi bới, kết tội anh ta. “Bênh vực cho cô vợ chính là đòi công bằng cho phụ nữ”, “bóp mũi mấy tên ngoại tình vì một thế giới hôn nhân trong sạch” - các chị em không tiếc lời nguyền rủa, lập cả những “phiên tòa online” để hạch tội “kẻ ngoại tình”.
Số phận của “người thứ ba” cũng lao đao không kém. Nếu là người mẫu, diễn viên hay có bất kỳ mối ràng buộc nào với công chúng, “người thứ ba” sẽ bị kêu gọi tẩy chay trên các phương tiện truyền thông; kèm theo vô số những chì chiết, chà đạp. Clip một cô vợ ngoại tình bị nhà chồng đánh đập tung lên mạng, nhiều người xem chừng như chưa đủ hả hê, còn quật thêm vào thân thể tội nghiệp ấy những cái tát của “đạo đức”, “công lý” - cái công lý của “lòng chung thủy”!
Người ta có những viện dẫn rất thuyết phục cho những tội danh kia và những tàn nhẫn này. “Trai ngoan không thờ hai chúa/Gái ngoan chỉ lấy một chồng”, là một ví dụ. Nhưng, nhỡ đâu người chồng ấy là một tên vô trách nhiệm, vũ phu, bất lương; một người vô cảm, thậm chí là một người bình thường nhưng không-còn-được-yêu nữa-thì sao? Sự “chung thủy” được đòi hỏi lúc này là gì - nếu không phải là một sự thiêu thân (với người chồng vô trách nhiệm, vũ phu), chịu đựng đến vong thân (một người chồng vô cảm), hay nuôi dưỡng một sự dối lừa (với người chồng mà mình đã hết yêu)?
Buộc chặt sự chung thủy vào cái khung của hôn nhân, rồi định lượng nó dựa vào những biến thiên của quan hệ vợ chồng - tức là đã mang nó ra khỏi những diễn biến độc lập của lòng người. Nói cách khác là đã tách sự chung thủy ra khỏi tình yêu. Mà tình yêu thì có bao giờ được “bảo hành trọn đời” (kể cả bằng hôn nhân)? Cho dù đó là một cuộc hôn nhân tự nguyện, dù hai người từng vô cùng khao khát được đến bên nhau, từng sống chết lao vào nhau, thì lẽ nào, khi hôn nhân bày ra những gương mặt khác của bạn đời, họ không được quyền vỡ mộng?
Dĩ nhiên, khác với tình yêu, sự chung thủy trong hôn nhân còn kèm theo những ràng buộc khác như trách nhiệm, sự gắn bó, chung sức... Nhưng, nói đến tận cùng, liệu có sự chung thủy nào nằm ngoài tình yêu? Hoặc, có sự chung thủy nào thực sự có giá trị với hôn nhân - khi nó đã không còn gắn với tình yêu nữa? Sự chung thủy ấy, nếu có, thì chỉ tồn tại trong một cuộc hôn nhân thuần túy trách nhiệm. Giữa vợ chồng lúc đó chỉ còn mối quan hệ hợp tác, với vô vàn những cam kết.
Vậy tại sao người ta không truy vấn một người vợ hết yêu chồng về trách nhiệm, về cách thu xếp hôn nhân, mà chăm chăm đả kích vào nhân cách, đạo đức của cô ấy, nhân danh sự chung thủy? Tại sao người ta không được quyền lựa chọn giữa “tiếp tục sống vì trách nhiệm” hay “sống thật với tình yêu” khi lòng đã khác? Tại sao đạo đức, nhân cách và cả sự chung thủy của con người lại bị đặt vào con tim (một thứ không thể kiểm soát) chứ không phải là cách hành xử của họ với những diễn biến không thể kiểm soát đó?
Sự dịch chuyển trong quan niệm về lòng chung thủy của phần lớn người tham gia khảo sát đã lý giải phần nào những trớ trêu ấy. Người ta đã dịch chuyển từ quan niệm “chung thủy với bạn đời” - với “cái khác tôi” sang “chung thủy với tôi”. Điều này biểu hiện sự quan tâm đến logic cá nhân, đến những diễn biến độc lập của con tim trong tương quan với những cam kết về sự trung thực, trách nhiệm của hôn nhân.
Tác giả bài viết: Minh Trâm