Thay vì thao túng nâng điểm như tại Hà Giang, những bài thi tại Sơn La còn bị chỉnh sửa trực tiếp vào bản trắc nghiệm rồi xóa đi file gốc. Ngay cả phần thi tự luận môn Văn thì điểm chấm trên bài thi và điểm vào máy tính cũng có 17 bài chênh lệch từ 0,25 điểm đến 2 điểm. Rõ ràng, đã có sự kết nối của nhiều người cho một chuỗi hành vi giả dối. Thế nhưng, kỳ lạ thay, vẫn chưa thấy quan chức giáo dục nào đưa được biện giải thuyết phục hoặc từ chức như một thái độ nhìn thẳng vào sự thật đau lòng.
Sở GD&ĐT Sơn La |
Ủy viên các vấn đề xã hội của Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Thúy khảng khái: “Nếu ở nước ngoài, khi những vụ việc dạng này xảy ra thì đã ít nhất vài người phải từ chức, trước hết là các quan chức sở tại. Từ chức là nhận lấy trách nhiệm chính trị, là giữ gìn liêm sỉ và cứu vãn danh dự trước khi cơ quan hữu quan truy ra trách nhiệm hành chính và các trách nhiệm khác!”. Từ chức, nghe thì đơn giản, mà chẳng có mấy ai đủ can đảm và chân thành để từ chức. Đành rằng, chưa có văn hóa từ chức, nhưng trong một môi trường sư phạm đang phơi bày hàng loạt hạn chế và nhiễu nhương, thì phẩm chất người làm giáo dục ở đâu?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hôm trước vừa tuyên bố “Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ” thì hôm sau lại bảo “Không để lợi dụng sai phạm kỳ thi gây tâm lý hoang mang trong học sinh, giáo viên và phụ huynh”. Ơ hay, Bụt trên cao thì gà nào mổ mắt! Dù trong hoàn cảnh xã hội nào, giáo dục cũng phải là môi trường lành mạnh nhất, lương thiện nhất, tử tế nhất. Ngành giáo dục không còn là ốc đảo bình yên của cộng đồng, vì chính những người làm giáo dục tạo ra sóng gió thành tích ảo bằng các thủ đoạn phản giáo dục. Qui chế thi cử và kỹ thuật chấm bài có thể mô phỏng của các quốc gia khác, nhưng con người giáo dục phải dựa vào chính nội lực hun đúc của mỗi xứ sở. Né tránh sự thật và vuốt ve thị phi, không phải cách kiến thiết một nền giáo dục tiến bộ và văn minh!
Người làm giáo dục cần có phẩm chất đặc biệt vì họ gánh vác sứ mệnh đặc biệt. Thành quả giáo dục không phải tính bằng điểm số hiện tại, mà gửi gắm bao nhiêu hy vọng cho tương lai. Bài giảng bây giờ, có thể ngày mai không phù hợp nữa, nhưng cốt cách người làm giáo dục vẫn gìn giữ vẹn nguyên. Bằng cấp bây giờ, có thể ngày mai không đắc dụng nữa, nhưng hình ảnh người làm giáo dục vẫn vững bền tỏa sáng. Quyền lợi và danh vọng của người làm giáo dục, không quan trọng bằng phẩm chất của người làm giáo dục biết xấu hổ và biết tự trọng!
Tác giả: LÊ THIẾU NHƠN
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam