Xã hội

Tiểu thương phân trần lý do tiêm thuốc an thần cho heo

Theo bà Trang, một trong những nguyên nhân khiến tiểu thương phải tiêm thuốc an thần vào heo là xuất phát từ việc các lò mổ truyền thống bị đóng cửa một cách vô cớ. Chi phí bất hợp lý là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc tiêm thuốc an thần, mà đáng lẽ không nên có, như vừa qua.

Hiện tại lò giết mổ gia súc Xuyên Á (huyện Củ Chi) đang bị đình chỉ nên tiểu thương ở TPHCM phải chở heo sang Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai mổ. Chi phí tăng cao trong khi giá bán giảm, sức mua chậm khiến tiểu thương vô cùng khó khăn.

Chiều 15/10, đơn vị số 1 của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Các đại biểu Quốc hội gồm có ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM, trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM và ông Trần Anh Tuấn - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với lãnh đạo huyện Hóc Môn bên lề buổi tiếp xúc cử tri

Khó khăn tìm chỗ mổ heo

Tại đây, cử tri huyện Hóc Môn đã phản ánh đến các đại biểu nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như phòng chống tham nhũng, an toàn thực phẩm, hạ tầng giao thông, bảo hiểm y tế…

Đặc biệt, hệ quả của vụ việc 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần tại lò giết mổ gia súc Xuyên Á đã làm nóng hội trường.

Cử tri Tôn Nữ Kiều Trang – đại diện tiểu thương chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn – cho biết sau khi vụ việc heo tiêm thuốc an thần được phát hiện, tiểu thương kinh doanh tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Họ rất bức xúc do vụ bê bối, thiếu trách nhiệm tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.

Cử tri Trang cho biết để cung cấp nguồn hàng đã cam kết với các đơn vị, tiểu thương phải chạy đến các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai để tìm nơi giết mổ nhưng có nơi từ chối không tiếp nhận. Còn có nơi nhận ngày hôm trước nhưng hôm sau phải chuyển đi nơi khác.

“Điều kiện vận chuyển xa xôi như heo từ Đồng Nai phải chở xuống tận Long An để giết mổ, rồi vận chuyển ngược về chợ đầu mối Hóc Môn để tiêu thụ, phát sinh thêm chi phí, thời gian vận chuyển, chi phí thuê mặt bằng giết mổ tăng gấp đôi…”, bà Trang nói.

Tuy khó khăn là thế nhưng giá bán thịt heo tại chợ lại rớt giá. Hoạt động kinh doanh bất ổn về giết mổ, nguồn hàng, giá cả và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi do giá heo hơi giảm, sức mua chậm.

Theo bà Trang, một trong những nguyên nhân khiến tiểu thương phải tiêm thuốc an thần vào heo là xuất phát từ việc các lò mổ truyền thống bị đóng cửa một cách vô cớ.

“Trước đây chúng tôi được quyền chọn lựa nơi giết mổ thích hợp. Nhưng kể từ khi các cơ sở giết mổ Bà Điểm, Trung tâm quận 12, Hóc Môn… đóng cửa, chỉ có lò Xuyên Á được hoạt động, nên họ độc quyền áp đặt giá thuê mướn tùy tiện”, bà Trang nói. Theo bà, chi phí bất hợp lý là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc tiêm thuốc an thần, mà đáng lẽ không nên có, như vừa qua.

Cũng theo bà Trang, trước đây mỗi đêm lò Xuyên Á giết mổ 100 con, với giá thuê chỗ giết là 5.000 đồng/con . Sau này các lò khác bị đóng cửa thì lò này tiếp nhận đến 5.000 con và cơ sở này tăng giá lên 48.000 đồng/con.

“Trung bình mỗi đêm chúng tôi phải gồng mình trả cho họ 240 triệu đồng tiền thuê mặt bằng”, bà Trang nói.

Do đó, cử tri đề nghị cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm những người có hành vi sai phạm và người có trách nhiệm trong vụ việc này. Ngoài ra, các tiểu thương cũng mong muốn có nơi giết mổ heo ổn định và tiếp nhận lâu dài để thuận lợi việc kinh doanh.

Cử tri Trang cho biết hiện nay có Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đã xây dựng xong các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải và dây chuyển giết mổ treo vào cuối năm 2016 nhưng chưa được thành phố cấp phép hoạt động.

Hiện nay, nhà máy này đang đầu tư dây chuyền giết mổ công nghiệp với công suất 2.000 con/ngày, hoàn thành vào cuối năm nay.

Cử tri Trang thay mặt cho các tiểu thương chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn kiến nghị TP cho phép nhà máy này đi vào hoạt động để tạo thuận lợi cho tiểu thương. Thêm lò giết mổ thì tiểu thương có thêm sự lựa chọn.

Còn độc quyền thì không có tiến bộ và chất lượng

Heo bị tiêm thuốc an thần tại lò giết mổ Xuyên Á (ảnh Vân Sơn)

Trả lời ý kiến cử tri, ông Dương Hoa Xô – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP – cho biết hiện nay đơn vị đang tổ chức kiểm điểm các cán bộ liên quan đến vụ việc trên. Lò giết mổ gia súc Xuyên Á bị đình chị 21 ngày để sắp xếp lại và khử trùng.

Theo ông Xô, để giải quyết nhu cầu giết mổ gia súc trên địa bàn, đơn vị đã nhờ sự hỗ trợ của các tỉnh lân cận là Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh tiếp nhận heo cho tiểu thương. Mỗi ngày, 4 địa phương này hỗ trợ thành phố giết mổ 2.500 con heo. Trong khi đó, những lò còn lại trên địa bàn cũng tăng số lượng tiếp nhận giết mổ lên 1.250 con.

Ông Xô đánh giá công suất giết mổ heo giảm so với trước đây. Do đó, TP sẽ quyết định đến ngày 26/10 cho lò giết mổ Xuyên Á hoạt động trở lại.

“Còn các cơ sở nhỏ lẻ không đủ tiêu chuẩn sẽ không được hoạt động. Sau khi lò Xuyên Á hoạt động trở lại, chúng tôi sẽ chấn chỉnh tình hình giết mổ gia súc trên địa bàn. Còn về xử lý sai phạm người liên quan thì TP đã chuyển hồ sơ qua Cảnh sát môi trường. Trách nhiệm tới đâu sẽ xử lý tới đó”, ông Xô nói.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trước ngày 20/10 phải báo cáo tình hình xử lý cán bộ sai phạm.

Bên cạnh đó, Bí thư Nhân cũng đề nghị Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các khu giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố. Đến cuối tháng 11 phải có kết quả.

“Làm sao để người có heo có sự lựa chọn nhất định chứ không thể để độc quyền. Tính cạnh tranh góp phần giảm chi phí và nâng cao chất lượng. Cơ sở giết mổ nào đủ điều kiện thì cấp phép hoạt động. Còn người ta thiếu gì thì nói bổ sung. UBND TP phải có báo cáo cụ thể. Chừng nào còn độc quyền thì không có tiến bộ và chất lựợng được”, ông Nhân nói.

Tác giả: Quốc Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP