Tin địa phương

Tiếp bài “Bố Trạch (Quảng Bình): Xã tự đề ra mức thu tiền điện Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời?”:Thu tiền điện theo kiểu “áng chừng”?!

Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tại Quảng Bình được triển khai xây dựng cho các bản của 10 xã điện lưới quốc gia không đến được. Dự án đã được nghiệm thu và đang trong quá trình vận hành thử. Thế nhưng, đến nay công tơ điện vẫn chưa được lắp đặt, trong khi đó phương án thu tiền điện đã được ban hành, việc thu tiền điện của các hộ dân được tính theo các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà rồi thu theo kiểu “áng chừng”?

Giá ban điện được ban hành nhưng công tơ không được lắp đặt

Trước đó, ngày 19/7, Báo điện tử TN&MT đăng tải bài viết: “Bố Trạch- Quảng Bình: Xã tự đề ra mức thu tiền điện Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời?”, phản ánh về việc UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch tự đề ra mức thu tiền điện của nhiều hộ dân khi công tơ điện chưa được lắp đặt, chưa có văn bản cho phép thu, ngoài ra việc thu tiền điện với giá cao khiến nhiều người dân bức xúc.

Trạm điện của Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời được lắp đặt cho nhiều hộ dân

Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt năm 2011, cho các bản của 10 xã điện lưới quốc gia không đến được, nguồn vốn hơn 13,7 triệu USD vay ODA Hàn Quốc.

Hiện nay, Dự án này đã được nghiệm thu và đang trong quá trình vận hành thử. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã Ban hành Quyết định số 2560/QĐ-UBND ngày 17/7/2017, Ban hành phương án quản lý, vận hành hệ thống cấp điện năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình. Ban hành Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 01/9/2017, giá bán điện áp dụng cho hệ thống cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình, cụ thể giá bán điện cho các hộ dân là 2.500 đồng/KWh; giá bán điện cho các đơn vị dịch vụ công 3.500 đồng/KWh.

Giá bán điện đã được ban hành nhưng công tơ điện không được lắp đặt

Trong khi chưa có văn bản cho phép thì tháng 5 vừa qua, xã Thượng Trạch đã thực hiện tạm thu 250.000 đồng một hộ trong khi công tơ điện vẫn chưa được lắp đặt khiến cho người dân bức xúc.

Trao đổi về việc Dự án điện năng lượng mặt trời đã ban hành giá bán điện nhưng đến nay công tơ điện vẫn chưa được lắp đặt, ông Võ Quang Minh, Giám đốc Ban quản lý Dự án điện năng lượng mặt trời Quảng Bình, cho biết, do thiếu nguồn vốn nên chưa thể lắp đặt. Còn nói về việc một số trạm gặp sự cố hư hỏng ông Minh cho rằng do hệ thống điện của người sử dụng bị chập.

Việc thu giá điện căn cứ theo các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà của các hộ dân

“Dự án này mục tiêu chỉ cấp điện sinh hoạt trong hộ gia đình, vì chưa có công tơ nên giờ căn cứ theo các thiết bị điện trong nhà như quạt, tivi, tủ lạnh,…để thu. Trước đây có thiết kế công tơ, nhưng khi thực hiện vượt nguồn vốn nên họ cắt, nếu có công tơ thì quá tốt đi. Không có công tơ thì thu theo định mức, tất nhiên là nó sẽ không bằng so với đồng hồ đo đếm, nó chỉ tương đối. Chúng tôi chỉ quản lý về vận hành, lắp đặt còn giá cả thế nào thì nên làm việc với Sở Công thương”, ông Võ Quang Minh cho biết.

Căn cứ theo thiết bị tiêu thụ điện để thu tiền?

Theo ông Võ Quang Minh - Giám đốc Ban quản lý Dự án điện năng lượng mặt trời Quảng Bình, khi không có công tơ thì thu tiền điện theo định mức, tính các thiết bị điện mà hộ gia đình đó sử dụng trong nhà. Nghĩa là “áng chừng” theo các thiết bị điện tiêu thụ hết bao nhiêu rồi thu tiền điện?

Để nắm rõ hơn về việc áp dụng thu giá điện đối với người dân, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình, được ông Thường cho biết việc này UBND tỉnh Quảng Bình đã giao cho Sở Tài chính kiểm tra, xử lý.

Phương án thu tiền điện theo kiểu “áng chừng” các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà khiến nhiều hộ dân bức xúc.

Tuy nhiên, khi làm việc với chúng tôi, bà Lê Thị Tuyển - Phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Bình, cho biết: Sở Tài chính chỉ quản lý việc thu tiền và hiện nay đang cho phòng tài chính huyện Bố Trạch kiểm tra còn việc áp dụng giá điện để thu là do Sở Công thương quản lý?

“Sở đang yêu cầu Trưởng phòng tài chính báo cáo và tôi sẽ làm việc cụ thể. Phòng tài chính là trực tiếp quản lý về việc đó, sau khi báo nêu họ phải có trách nhiệm đi kiểm tra. Về toàn bộ cái hạ tầng cung cấp điện thuộc về Sở Công thương. Dụ án này là dự án của Sở Công thương. Cái giá là có đây rồi, tỉnh đã ban hành bây giờ buộc phải thu theo giá này bằng đồng hồ, còn việc không có đồng hồ, nguyên nhân từ đâu Sở Công thương phải đứng ra. Giá đó rồi bây giờ phải căn cứ vào đồng hồ để thu. Đối với Sở Tài chính chỉ liên quan đến nguồn tiền của dự án và đơn giá tôi đã có đây rồi, đơn giá này Sở Công thương chủ trì và tôi phối hợp. Nếu như không có đồng hồ thì sẽ không có căn cứ để thu tiền được”, bà Lê Thị Tuyển khẳng định.

Bà Tuyển cho biết việc không có đồng hồ mà chỉ tính các thiết bị điện trong nhà rồi thu tiền như vậy không đúng và không có cơ sở. Còn nói về việc xã Thượng Trạch thực hiện tạm thu khi chưa có công tơ bà Lê Thị Tuyển lý giải, “do chưa có chi phí cho tổ vận hành nên xã đã tạm thu một khoản, tạm thu không có cơ sở, lẽ ra bên Sở Công thương phải có văn bản chỉ đạo, các đơn vị này phải lắp công tơ cái đã sau đó mới thu theo quy định”.

Với một Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời được đầu tư xây dựng gần 18 triệu USD từ nguồn vốn ODA, thế nhưng, đến nay công tơ điện vẫn chưa được lắp đặt, phương án thu giá tiền điện theo kiểu “áng chừng” vào các thiết bị tiêu thụ điện mà người dân sử dụng.

Tác giả: Hồng Thiệu

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP