Các bác sĩ và nhân viên cứu hộ ở Đông Ghouta khẳng định họ đang phải vật lộn với tình trạng bạo lực “tàn bạo” đã cướp đi sinh mạng của hơn 90 người chỉ trong một đêm vào ngày 7/3.
Các cuộc không kích và bắn đạn pháo vào Đông Ghouta, khu vực nằm gần thủ đô Damascus đã làm trì hoãn hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo cho hơn 300.000 người còn đang mắc kẹt ở vùng chiến sự. Quân đội Syria đang giành ưu thế ở Đông Ghouta trước các nhóm nổi dậy.
Trẻ em được đưa tới bệnh viện điều trị sau một cuộc tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học. |
Nhiều báo cáo cho thấy hàng loạt vũ khí và thậm chí cả vũ khí hóa học đã được sử dụng trong các cuộc giao tranh ở hai thị trấn tại Ghouta trong đêm 7/3. Theo các bác sĩ, bệnh nhân đều có những triệu chứng giống với việc phơi nhiễm với chất organophosphorous hoặc khí clo.
“Những người sinh sống ngoài khu vực Ghouta đang được hưởng nền hòa bình và sự thoải mái thì những đứa trẻ, phụ nữ, người già và trẻ sơ sinh ở đây lại đang chết mòn hàng ngày. Chúng tôi chỉ là dân thường và nhân viên cứu trợ, chúng tôi không dám đối mặt với vũ khí để đưa những đứa trẻ và phụ nữ ra khỏi đống đổ nát bởi chúng tôi có thể mất mạng bất cứ lúc nào”, một nhân viên cứu hộ chia sẻ.
Các bác sĩ cho hay ít nhất 90 người đã thiệt mạng hôm 7/3 nâng tổng số dân thường thiệt mạng sau các đợt tấn công quân sự ở Đông Ghouta kể từ ngày 19/2 lên con số 1.000 người. Ít nhất 300 người đã bị thương sau các đợt oanh tạc.
Cụ thể, theo các bác sĩ 29 người bao gồm 15 trẻ em đã được điều trị với những triệu chứng khó thở sau khi trải quan một cuộc tấn công bằng khí độc ở hai thị trấn Hamoryah và Saqba.
“Phần lớn các bệnh nhân sinh sống ở một khu tị nạn. Trong đó, 15 trẻ em trong độ tuổi khoảng 3 – 4 tuổi mặt mũi xanh xao, bị ho như mắc bệnh phế quản. Chúng tôi không có thuốc men, Chúng tôi mong Liên Hợp Quốc có thể vận chuyển thuốc tới để chữa trị cho những người bị thương”, một bác sĩ chia sẻ.
“Tôi đã điều trị cho các bệnh nhân của vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học năm 2013. Đây là vụ tấn công bằng khí độc kinh hoàng nhất mà tôi từng chứng kiến. Tôi đã ở vùng chiến sự này 5 năm chứng kiến cảnh oanh tạc, nạn đói và không ai quan tâm tới chúng tôi. Chúng tôi có thể làm được gì? Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc của mình”, bác sĩ nói thêm.
Trong khi đó, quân đội Syria từng bị cáo buộc là thủ phạm sử dụng khí độc thần kinh sarin trong hai vụ tấn công. Thứ nhất là vào năm 2013 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng ở Ghouta. Thứ hai là vào tháng 4/2017, chất độc thần kinh sarin đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người ở thị trấn Khan Sheikhun. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.
Hôm 24/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi thi hành lệnh ngừng bắn 1 tháng trên toàn lãnh thổ Syria để tiến hành vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo. Tình trạng xung đột gay gắt ở Đông Ghouta đã khiến Tổng thư ký LHQ gọi khu vực này là “địa ngục trần gian”.
Tác giả: Minh Thu
Nguồn tin: Báo Infonet