Sở dĩ nguyên tắc tập trung dân chủ được Đảng ta hết sức coi trọng và quy định rõ nội dung cụ thể trong Điều 9, chương II của Điều lệ Đảng hiện nay, bởi vì đây là nguyên tắc cơ bản quy định việc xây dựng cơ cấu, hình thức tổ chức của Đảng, chế độ sinh hoạt, chế độ bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc này quy định các chế độ để giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ Đảng, như: Giữa cấp trên với cấp dưới, giữa tập thể với cá nhân, giữa đa số với thiểu số; quy định phương pháp tác phong lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên vừa phát huy trách nhiệm sáng tạo, tích cực, chủ động, vừa tập trung được sức mạnh trí tuệ của mỗi đảng viên và sức mạnh của toàn Đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở bảo đảm cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng về mặt tổ chức; đồng thời sự thống nhất về mặt tổ chức là điều kiện vật chất để bảo đảm cho sự thống nhất về mặt chính trị, tư tưởng được giữ vững và trở thành hiện thực. Nguyên tắc tập trung dân chủ là tiêu chuẩn cơ bản để phân biệt đảng cộng sản chân chính với các đảng cơ hội khác. Trong bài viết này, tác giả xin mạnh dạn trình bày những ưu điểm và hạn chế của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ở cấp xã của tỉnh Quảng Bình trong thực tế, từ đó, nêu lên một số giải pháp để thực hiện tốt nguyên tắc này trong thời gian tới.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vị trí là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, TCCSĐ ở cấp xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo toàn diện các mặt của đời sống xã hội và công tác xây dựng nội bộ Đảng ở cơ sở. Để bảo đảm phát huy vai trò của mình, hầu hết các TCCSĐ ở cấp xã đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững.
Những quyết định lãnh đạo của Đảng đã được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đảng viên và các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; sinh hoạt của các cấp ủy và tổ chức đảng được tiến hành dân chủ cởi mở hơn; các cấp ủy viên mạnh dạn trình bày ý kiến riêng của mình; tăng cường tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên giữa cán bộ chủ chốt với đảng viên và nhân dân trên địa bàn; dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị và dân chủ trong xã hội ở cơ sở đã có nhiều bước khởi sắc.
Công tác sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025 là một trong những hoạt động được chú trọng ở các tổ chức cơ sở đảng trong năm 2023. Ảnh: M.N |
Việc bầu cử trong Đảng, chính quyền và các đoàn thể cũng như phong cách lãnh đạo của cấp ủy cơ sở đã thể hiện sự dân chủ rất rõ nét. Công tác tổ chức và cán bộ được tiến hành công khai, dân chủ. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong nội bộ được chấn chỉnh kịp thời. Những kết quả đạt được trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ở cơ sở đã tạo ra sự đồng thuận giữa Đảng và nhân dân ở cơ sở, từ đó, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội ở cấp xã cũng như trên địa bàn của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, việc nhận thức và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số TCCSĐ vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa thật sâu sắc, đầy đủ, thống nhất về vị trí, vai trò, bản chất của nguyên tắc; chưa thấu suốt và thực hiện tốt các nội dung của nguyên tắc đã được xác định trong Điều lệ Đảng, thậm chí có biểu hiện thiếu tôn trọng nguyên tắc. Chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ở một số tổ chức đảng thể hiện sự chấp hành nguyên tắc không nghiêm túc, chặt chẽ cho nên không ít nơi vừa có tình trạng quan liêu, vi phạm dân chủ, vừa có biểu hiện dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, kỷ luật lỏng lẻo, cục bộ, bản vị, gây mất đoàn kết nội bộ.
Vẫn còn hiện tượng coi thường kỷ cương phép nước, vô tổ chức, vô kỷ luật, cố tình không chấp hành nghị quyết, chỉ thị, làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất về tư tưởng và tổ chức, chất lượng sinh hoạt Đảng giảm sút. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy còn chậm và lúng túng. Thậm chí có người lợi dụng việc sử dụng nguyên tắc này nhằm thực hiện những động cơ, lợi ích cá nhân hoặc phe nhóm đi ngược lại lợi ích của Đảng. Một số cán bộ chủ chốt ở cấp xã có biểu hiện quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, bảo thủ, cơ hội, thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức lối sống. Trong thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh không ít tổ chức đảng và cán bộ chủ chốt vi phạm nguyên tắc của Đảng đã bị cấp ủy có thẩm quyền nghiêm túc xử lý kỷ luật.
Những hạn chế, khuyết điểm đã xảy ra là do nhiều nguyên nhân, nhưng về cơ bản, chủ yếu là do không bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Những khuyết điểm trên, nếu không kịp thời phát hiện và kiên quyết khắc phục sẽ trở thành vấn đề hết sức nguy hiểm, nó sẽ làm hạn chế, thậm chí làm suy yếu năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ ở cấp xã, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ đổi mới.
Từ thực trạng nói trên, để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ ở các TCCSĐ ở cấp xã, thời gian tới, cần thực thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nguyên tắc tập trung dân chủ cho cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt và cấp ủy ở cấp xã. Cấp ủy cấp xã phải nắm vững nội dung, yêu cầu, tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới; phải giáo dục cho cán bộ, đảng viên nắm chắc nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng. Thực hiện tốt chế độ thông tin trong nội bộ để nâng cao nhận thức mọi mặt cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.
Thứ hai, các cấp ủy ở cấp xã và các chi bộ trực thuộc cấp ủy cơ sở phải xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc. Quy chế làm việc phải bảo đảm quán triệt, cụ thể hóa nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong đó, chú ý bảo đảm thực hiện tốt các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến.
Thứ ba, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật ở các TCCSĐ cấp xã. Từng tổ chức đảng và đảng viên chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và cấp mình. Đảng viên ở mọi cương vị phải gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật và các chính sách của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, chính xác các biểu hiện vi phạm kỷ luật của Đảng và những hành vi vi phạm pháp luật, không bao che, nhân nhượng, hoặc xử lý nội bộ.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; khắc phục tình trạng bao biện làm thay, hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu và xử lý nghiêm túc người đứng đầu khi vi phạm.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ tại các TCCSĐ; xử lý kịp thời những tổ chức đảng và đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng ta. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ bảo đảm cho TCCSĐ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và chiến đấu của Đảng ở cơ sở, từ đó, sẽ tạo ra sự đồng thuận giữa Đảng với nhân dân, sẽ là cơ sở để các TCCSĐ ở cấp xã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng quê hương, tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, phát triển đi lên trong sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tác giả: Phạm Xuân Ba (Trường Chính trị tỉnh)
Nguồn tin: Báo Quảng Bình