Trong nước

Thủ tướng: Thay thế cán bộ tín nhiệm thấp không chờ hết nhiệm kỳ

Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ sàng lọc, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, về vấn đề tuyển chọn và sử dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước theo tinh thần "tìm người tài, không dùng người nhà".

Thủ tướng cho biết, tháng 2/2017 Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Trong đó, Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ; yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức và tín nhiệm thấp.

Việc miễn nhiệm, thay thế nhân sự yếu kém nêu trên không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp sẽ bị thay thế kể cả khi chưa hết nhiệm kỳ. Ảnh: Quang Hiếu

Thu hút 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ

Thủ tướng cũng cho biết, thời gian qua, căn cứ vào quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức theo thẩm quyền, bảo đảm tuyển chọn đúng người, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Cụ thể, cấp có thẩm quyền đã đưa ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ (tiến sĩ khoa học không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 32 tuổi, thạc sĩ không quá 28 tuổi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc không quá 25 tuổi) vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức theo các quy định của Chính phủ về thu hút nhân tài nêu trên được giao cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền.

Xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân sai phạm

Văn bản trả lời chất vấn nêu rõ, mặc dù Thủ tướng luôn chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật song thời gian vừa qua, một số Bộ, ngành và địa phương có tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định.

Đó là tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức chuyên môn, nghiệp vụ, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, bố trí người nhà vào vị trí vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng... Trước tình trạng này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ kiểm tra, rà soát theo thông tin báo cáo phản ánh liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm “người nhà” tại 9 địa phương gồm tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, thành phố Cần thơ; Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục thuế, Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.

Bộ Nội vụ cũng đã kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh gia đình Phó chủ tịch UBND huyện An Dương, thành phố Hải Phòng có 6 người cũng giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền; người thân trong gia đình Bí thư và Phó bí thư huyện ủy Kim Thành, tỉnh Hải Dương nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong huyện.

Từ kết quả kiểm tra báo cáo, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân sai phạm theo quy định.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP