Ngay đầu bài viết, người đứng đầu Chính phủ đề cập đến vai trò của ổn định kinh tế vĩ mô trong đường lối phát triển của Việt Nam xuyên suốt thời gian qua. Thủ tướng khẳng định: Ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa và vai trò quan trọng trên nhiều phương diện như kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì trật tự và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Cần "nhạc trưởng" trong điều hành kinh tế
Thủ tướng lưu ý đến kết quả của giữ ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường đầu tư giúp Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong đó có việc xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, từ thứ 82 lên thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ; năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ thứ 60 lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ và đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng lên, từ “ổn định” lên “tích cực”...
Từ những thành công của năm 2017, Thủ tướng nêu 6 bài học kinh nghiệm trong điều hành và phát triển kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là điều hành kinh tế vĩ mô đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt giữa các công cụ chính sách, cả về mức độ, liều lượng, thời gian thực hiện.
"Hoạch định và điều hành kinh tế vĩ mô cần “kiến trúc sư trưởng” hay “nhạc trưởng”, trong đó cần xác định rõ từng loại chính sách, sự phối hợp và mức độ ưu tiên hợp lý giữa các chính sách trong từng thời kỳ, từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể", Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: "Chính sách tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, đặc biệt là trong việc điều hành cung tiền, tín dụng, lãi suất, bội chi NSNN và nợ công một cách hài hòa, hợp lý. Bài học lạm phát gắn với khủng hoảng nợ công ở nhiều nước là những kinh nghiệm sâu sắc trong điều hành kinh tế vĩ mô".
"Dĩ bất biến ứng vạn biến" trước biến động tình hình quốc tế
Thủ tướng chỉ rõ thực tế: Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu lớn về đổi mới, cải cách cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư… khi thực tế các quốc gia, đối tác lớn thay đổi định hướng chính sách hướng đến bảo vệ sản xuất nội địa và thu hút đầu tư ngược lại chính quốc, đặc biệt là sử dụng công cụ hàng rào thuế quan và cắt giảm thuế suất thuế thu nhập trong nước.
"Nếu không có chính sách phù hợp, những thay đổi trên có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường trong nước, qua đó tác động đến tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế", Người đứng đầu Chính phủ nói rõ.
Theo Thủ tướng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên phải đặc biệt chú trọng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, có những giải pháp chính sách phù hợp để nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế trước những biến động trên thị trường quốc tế và thay đổi chính sách của các quốc gia, đối tác lớn.
Chính vì thế: "Dĩ bất biến ứng vạn biến" là chúng ta cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những biến động tình hình quốc tế, trong nước để giữ ổn định kinh tế vĩ mô", Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ khuyến cáo: "Điều hành kinh tế vĩ mô vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, đòi hỏi các cấp, các ngành phải chủ động, linh hoạt, luôn bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế nước ta vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững".
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí