Trong nước

Thủ tướng sốt ruột vì năng suất lao động Việt Nam thấp hơn khu vực

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: Nâng cao năng suất đang là thách thức lớn với Việt Nam, chúng ta có nhiều tiềm năng, dư địa nhưng chưa tận dụng được, trong khi các nhiệm vụ cần phải giải quyết ngày càng nhiều, trước hết là phân bổ hiệu quả sử dụng nguồn lực, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017 với chủ đề Năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững vừa diễn ra tại Hà Nội sáng 13/12, sau khi lắng nghe nhiều báo cáo của nhiều chuyên gia về thực trạng năng suất lao động, hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ KH&ĐT cho phát hành kỷ yếu các bài phát biểu của đối tác tại VDF 2017. Người đứng đầu Chính phủ khá lo lắng về tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, chất lượng tăng trưởng chậm, năng suất lao động chưa cao. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng bằng vốn, lao động giản đơn trong khi việc đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn hạn chế.

Thủ tướng Nguyễn Xuấn Phúc tại Diễn đàn VDF vừa tổ chức tại Hà Nội

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: Nâng cao năng suất đang là thách thức lớn với Việt Nam, chúng ta có nhiều tiềm năng, dư địa nhưng chưa tận dụng được, trong khi các nhiệm vụ cần phải giải quyết ngày càng nhiều, trước hết là phân bổ hiệu quả sử dụng nguồn lực, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

"Việt Nam cần sự hỗ trợ sự, tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng DN tìm ra giải pháp chính sách phù hợp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đang lan tỏa nhanh chóng. Nhìn tổng thể cải thiện năng suất không chỉ nâng cao năng suất người lao động, mà còn năng suất vốn, TFP. Cải thiện năng suất là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đầu tiên là năng suất vốn và hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách ngân hàng, thị trường tài chính lành mạnh và theo tín hiệu thị trường, để DN nhỏ và vừa, nông dân dễ dàng tiếp cận vốn.

Việt Nam cần quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nơi nắm giữ nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng sử dụng chưa tương xứng. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát cơ chế sử dụng tài nguyên, phân bổ vốn đầu tư cho khu vực này.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Cải cách năng suất đi liền với xây dựng tiền lương, tiền công theo thị trường, tăng tiền lương cần theo năng suất lao động".

Thủ tướng chỉ rõ: Ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng năng suất thấp, tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới cần tập trung ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, hiện Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới (FTA và FTAs), điều này mở ra cho chúng ta nhiều thị trường rộng lớn cho đầu tư, cho thương mại hàng hoá. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và năng suất của DN.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện năng suất lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN, cụ thể thấp hơn 6 lần so với Malaysia, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Thái Lan xấp xỉ 3 lần...

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lo lắng: Trong 5 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được mức hồi phục tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận nhưng tiếp tục có quan ngại tăng trưởng năng suất lao động yếu. Cụ thể, trong khi tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt trung bình 4%/năm, ở cùng giai đoạn phát triển như Việt Nam, Trung Quốc đạt tốc độ 7%, Hàn Quốc là 5%.

"Mức tăng trưởng năng suất lao động này sẽ khó giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững như những nước này", ông Ousmane nói.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP