Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu |
Một số sản phẩm của Việt Nam trước tốt, sau xấu
Sáng 23/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Sau khi nghe báo cáo tình hình xuất khẩu năm 2017 của Bộ Công Thương, Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị hôm nay không phải bàn về thành tích, về thắng lợi mà cái chính là nhìn thấy những tồn tại, bất cập để tháo gỡ trong bối cảnh độ mở nền kinh tế là 190% GDP, xuất nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hoạt động xuất khẩu còn nhiều tiềm năng chưa khai thác được do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.
"Sản xuất sản phẩm nào cũng cần phải nghĩ xem tiêu thụ ở đâu, bán cho ai. Cần sản xuất cái mà thị trường cần, đừng sản xuất cái mà chúng ta có; đừng để dư thừa. Một số sản phẩm của Việt Nam có chất lượng chưa đồng đều, trước tốt, sau xấu, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam. Chất lượng sản phẩm phải tốt, bao bì đẹp thì mới xuất khẩu được", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, hiện nay tiềm năng cho xuất khẩu của chúng ta vẫn còn rất lớn. Đến nay chúng ta đã hoàn tất đàm phán ký kết 12 hiệp định thương mại và đang tiếp tục đàm phán các hiệp định khác, hoàn toàn mở cửa thị trường và hội nhập.
“Nhiều địa phương cũng đã và đang đẩy mạnh chiến lược thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm. Trong những năm qua, chúng ta rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các thị trường mới. Ngay cả các lãnh đạo cấp cao cũng đi đàm phán, xúc tiến thương mại, tìm thị trường cho xuất khẩu”, người đứng đầu Chính phủ cho hay.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương mạnh dạn bày tỏ về những khó khăn đang cản trở hoạt động xuất khẩu, vì có nhiều rào cản nên doanh nghiệp không xuất khẩu được. Nếu hôm nay không phát biểu được hết thì có thể viết thư cho Thủ tướng để đưa ra sáng kiến tháo gỡ.
Thủ tướng cũng cho biết sắp tới sẽ có một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xuất nhập khẩu và tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay.
Năm đặc biệt thành công của xuất khẩu
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.
Năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8%).
Nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản (đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%), rau quả (đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%), hạt điều (đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%)...
Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập được thực hiện có hiệu quả. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội như: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 31,1%, sang thị trường ASEAN tăng 24,3%, sang thị trường Nhật Bản tăng 14,2%.
Song song với đó, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… đều được giữ vững hoặc thậm chí có mức tăng ấn tượng như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%...
Đánh giá tình hình xuất khẩu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết năm 2018, xuất khẩu tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng. Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan.
Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây.
“Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Các nước nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Tác giả: Lệ Chi
Nguồn tin: vietnamfinance.vn