Những ngày này, Sài Gòn đã bắt đầu vào mùa nắng nóng. Buổi trưa, không khí trở nên oi bức hơn. Đường vào khu trọ chị Linh (27 tuổi, quê Vĩnh Long) ở ngoằn nghèo, nhỏ hẹp. Căn phòng có diện tích chỉ hơn 10m2 nhưng chứa rất nhiều đồ, từ quần áo, xoong nồi, bát đĩa đến mấy món đồ chơi trẻ em… Chị Linh vừa tiếp khách, vừa nấu ăn và tranh chủ chuẩn bị những đồ dùng cho bé Giang (3 tuổi) đi trẻ buổi chiều. Ngồi xúc ăn mà mồ hôi bé Giang nhễ nhại, hai má đỏ ửng.
Cách đó không xa, anh Tuấn (36 tuổi) đang ở trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Căn nhà này là tài sản chung của anh và chị Linh trong thời kỳ hôn nhân. Họ cùng nhau tạo lập bằng tiền tiết kiệm, quà bố mẹ hai bên cho. Hơn hai năm trước, không chịu được người chồng vũ phu, chị Linh bế con gái, khi đó mới 8 tháng tuổi về nhà bố mẹ đẻ. Gia đình họ tan đàn xẻ nghé từ đó.
Chị Linh từng hãnh diện vì lấy được một người chồng nhanh nhẹn, chịu khó, là chủ một tiệm sửa xe và buôn bán phụ tùng, thu nhập hơn 50 triệu một tháng như anh Tuấn. Sau đám cưới, chị nghỉ công việc chăm sóc sắc đẹp, thu nhập cao, ở nhà chăm con, phụ chồng trông cửa hàng. Toàn bộ thu nhập của mình, anh Tuấn đưa hết cho vợ, chỉ giữ một ít chi tiêu.
Ảnh minh họa: union-bulletin |
Ngược lại, anh mua hẳn muột cuốn sổ dày đưa cho vợ, yêu cầu tiêu gì, bao nhiêu cũng phải ghi đầy đủ, chi tiết. Anh cũng yêu cầu, một tháng chỉ được gói ghém trong 10 triệu, số còn lại để dành. Nếu tháng này vượt quá thì tháng sau bù lại. Dù không bằng lòng, nhưng nghĩ chồng làm vậy để tiết kiệm chị cũng ngậm ngùi thực hiện.
“Thời gian đầu, chỉ hai vợ chồng nên rất thoải mái. Từ khi có con, chi phí cho bé cũng hơn 5 triệu. Số còn lại, tôi dè sẻn từng chút một. Có tháng không đủ, tôi chỉ biết lấy tiền tiết kiệm thời con gái ra bù vào”, chị Linh kể. Vậy mà anh Tuấn suốt ngày nghi ngờ vợ lập quỹ đen nên tra khảo, chất vấn, không được trả lời thỏa đáng thì lớn tiếng quát mắng, đánh đập. Tính từ năm 2014 đến cuối năm 2016, chị Linh không nhớ nổi số lần bị chồng đánh.
Lần gần nhất, trong tháng chị tiêu quá 2 triệu vì mua cho con mấy bộ đồ mới, vậy là anh hết chửi bới rồi dùng cán chổi đánh vợ trước ánh mắt kinh ngạc của khách sửa xe. Không chịu đựng được nữa, chị đệ đơn ly hôn, yêu cầu anh cấp dưỡng nuôi con một tháng 2 triệu và đòi chia đôi căn nhà.
Ở phiên xử lần thứ nhất, tòa tuyên cho chị được ly hôn và nuôi con. Anh không phải cấp dưỡng, với lý do lúc bỏ đi chị đã lấy hơn 100 triệu, một chiếc xe máy trị giá hơn 5 triệu và 5 chỉ vàng. Về căn nhà, chị không có công nên không được phần. Quá bức xúc, chị kháng cáo, yêu cầu anh phải làm tròn tránh nhiệm một người cha và tha thiết được ở trong căn nhà. Theo chị, hiện hai mẹ con đang ở trọ, cuộc sống rất khó khăn.
Tháng 11 vừa rồi, phiên xử lần hai diễn tại Tòa án Gia đình và người chưa thành niên TP HCM. Anh thừa nhận đánh vợ là vì chị “suốt ngày chỉ biết lấy điện thoại, ipad của chồng đọc tin nhắn, rồi ghen tuông, chửi bới”. “Căn nhà do anh em tôi tạo lập bằng tiền sửa xe máy, cô ta chỉ ở nhà nuôi con, ăn bám chồng, có công gì mà đòi chia. Cô ta lấy tài sản bỏ đi, tôi chưa tố cáo hành vi ăn cắp là may rồi. Hãy xem đó là tiền cấp dưỡng nuôi con tôi góp, đừng đòi nữa. Tôi không chi cho những việc không đáng đâu”, anh nói. Chị nghe mà lòng thắt lại.
Để làm sáng tỏ, chị đưa tất cả các hóa đơn, chứng từ thể hiện số tài sản mình mang đi không phải của riêng anh, lúc đó mới được yên. “Nhiều người bảo tôi có phúc lắm mới lấy được chồng giàu, dân thành phố. Tôi nghe chỉ biết cười gượng. Suốt thời gian làm vợ, tôi không sắm nổi bộ đồ mới, đừng nói đến chuyện làm đẹp. Anh xem lại mình đi. Hơn một năm qua, anh đi thăm con có bốn lần, lần nào cũng chỉ mua cho nó hộp sữa 6 ngàn. Anh hứa mua cho con bé cái xe đạp mà khất mãi, để nó mong ngóng”, chị buồn bã nói.
Vị chủ tọa phân tích cho anh: “Cha mẹ nuôi con là vô giá. Tôi cũng đang có con. Việc chăm một đứa trẻ rất vất vả và tốn kém. Bây giờ, anh không trực tiếp nuôi bé thì hãy quan tâm bằng vật chất, đừng để lòng ích kỉ làm tan rã tình phụ tử”. Anh cương quyết không chịu. “Con bé lớn lên tôi sẽ bù đắp cho nó. Bây giờ, tôi không muốn đưa tiền cho một người đàn bà như cô ta”, anh đáp.
Cả vị đại diện viện kiểm sát và luật sư của chị cũng ra sức khuyên anh hãy làm nghĩa vụ một người cha với con gái ba tuổi nhưng đều vô nghĩa. “Là một người cha tôi rất thương con nhưng thương và cấp tiền hoàn toàn khác nhau”, anh khẳng định chắc nịch. Chị nghe mà ngao ngán, khẳng định sẽ nuôi con một mình.
“Một người cha ki bo với cả con mình thì không xứng đáng”, chị nói. Về căn nhà, chị tha thiết được ở, hứa đưa phần còn lại cho anh. Nhận định căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng, tòa yêu cầu anh phải giao nhà cho chị và được nhận một nửa giá trị.
Chị Linh cho biết, sau thời gian sống với ông bà ngoại, chị đã đưa bé Giang lên thành phố thuê nhà trọ ở. Ban đầu, chị đi phát tờ rơi, làm giúp việc theo giờ để có nhiều thời gian với con. Hiện nay, bé đã đi nhà trẻ, chị cũng xin được việc làm ở một trung tâm làm đẹp. Cuộc sống của hai mẹ con cũng dễ thở hơn.
Theo vị đại diện viện kiểm sát tại phiên xử, anh Tuấn vô cùng đáng trách khi là người có thu nhập cao nhưng lại ki bo, tính toán với con. Ông cho biết, trước đây, Tòa án Gia đình và người chưa thành niên TP HCM cũng xử một vụ ly hôn, song kết quả trái ngược. Người vợ yêu cầu chồng cấp dưỡng 20 triệu nuôi con mỗi tháng, bao gồm tiền ăn, tiền học của hai bé. Dù đang phải nuôi con gái lớn đi du học với chi phí rất cao và một gia đình mới, nhưng người chồng đã chấp nhận tất cả. Anh cho biết, đó là cách để thể hiện tình yêu, trách nhiệm với con.
“Tôi không biết vợ chồng anh Tuấn mâu thuẫn như thế nào nhưng con cái vô tội. Các bé cần được ba mẹ yêu thương, bao bọc và nuôi dưỡng. Theo luật hôn nhân gia đình năm 2014, anh Tuấn là người có thu nhập cao, có sức khỏe, có công việc, chỗ ở ổn định thì phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên, do hiện nay, chị Linh đã không yêu cầu, vì thế, sự việc được dừng lại. Sau này, nếu nuôi con một mình khó khăn, chị Linh có quyền yêu cầu chồng cũ làm tròn bổn phận. Nếu anh Tuấn không đáp ứng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”, vị chuyên gia nói.
Ông Vũ Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 (TP HCM) cho rằng, nhiều người chồng sau ly hôn không chịu cấp dưỡng nuôi con vì có suy nghĩ, nếu đưa tiền cho vợ cũ, cô ta sẽ lấy đi làm đẹp hay tiêu xài cho riêng mình mà không lo cho con. Anh ta thà phó mặc còn hơn chi không đúng chỗ. Tuy nhiên, số này chủ yếu xảy ra ở vùng quê, người thu nhập thấp và có công việc, chỗ ở không ổn định. Ở thành phố thường ít, vì nếu người cha có thu nhập cao, số tiền cấp dưỡng chẳng đáng với họ.
* Tên nhật vật trong bài đã thay đổi
Tác giả: Phan Thân
Nguồn tin: Báo VnExpress