Kinh tế

Thiếu lao động tay nghề cao trong các cơ sở đóng tàu thuyền

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 63 cơ sở đóng tàu thuyền. Tuy nhiên, đóng tàu thuyền là nghề khá nặng nhọc đòi hỏi tay nghề cao và tính kiên trì của người thợ, do vậy dù công thợ đóng thuyền không thấp nhưng các xưởng đóng tàu vẫn khó thu hút lao động, nhất là số lao động có tay nghề cao.

Ở tuổi ngoài 65, ông Trần Văn Đức đã có hơn 40 làm nghề đóng tàu thuyền- hiện nay, ông là thợ giỏi của Công ty đóng tàu Hải Châu, phường Trung Đô TP Vinh. Để có những con tàu chắc chắn, thẩm mỹ những người thợ lành nghề như ông Đức đã miệt mài sản xuất không kể ngày đêm, ngoài năng khiếu làm nghề đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Một người thợ mới vào nghề cũng phải mất 2 năm đào tạo mới chắc tay nghề. Hiện công ty nay đang thiếu những thợ có tay nghề, bơi lớp trẻ không mặn mà với nghề đóng tàu thuyền . Hàng năm, công ty có 50 - 60 lao động vào học nghề nhưng chỉ tuyển chọn được 2- 3 người có chí hướng gắn bó với nghề.

Những người thợ có tay nghề cao ngày càng hiếm


Theo ông Trần Văn Đức, Công nhân đóng tàu Hải Châu, phường Trung Đô, TP Vinh: Bản thân tôi làm thợ ở đây từ những ngày bao cấp, tôi và một số thợ có tay nghề cao vừa kèm cặp cho lớp trẻ để nâng cao tay nghề, tạo nên lớp thợ có tay nghề cao kế cận để phát huy tính năng tác dụng kỹ thuật đóng tàu phục vụ dân biển.

Hợp tác xã đóng tàu thuyền, mộc Trung Kiên, Nghi Thiết, Nghi Lộc hiện có 13 cơ sở đóng tàu thuyền, thu hút hơn 300 lao động, trong đó có trên 50% số lao động có tay nghề cao.

Với những người thợ đóng tàu giỏi, thu nhập của họ cũng xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng làng nghề truyền thống này lại đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ và lớp lao động kế cận.

Do đặc thù của nghề đóng tàu là nghề nặng nhọc, thu nhập tính theo tháng trong khi xuất khẩu lao động lại giúp họ “tròn vốn’’ khi trở về. Bởi vậy nhiều người, đặc biệt là thanh niên vẫn thích xuất khẩu lao động hơn là gắn bó với nghề, tay rìu, tay búa của cha ông.

Ông Nguyễn Minh Thông, thợ đóng tàu thuyền, xóm Chùa 2, Nghi Thiết, Nghi Lộc cho biết: Ở làng nghề này, những người thợ lâu năm như chúng tôi lúc nào cũng muốn hướng về quê hương nên không muốn đi xa, mong sao nhà nước có chính sách khuyến khích người lao động để nâng cao tay nghề; để duy trì làng nghề phát triển.

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 63 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá, và có trên 4.000 tàu cá đang hoạt động khai thác trên biển. 8 tháng đầu năm 2016, các cơ sở đã đóng mới 81 tàu có công suất lớn, trong đó có 58 tàu theo Nghị định 67 và đã có 42 tàu được giải ngân và đã tham gia đánh bắt hải sản có hiệu quả.

Công nhân đóng thuyền theo Nghị định 67


Ông Nguyễn Chí Lương- Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản, Sở NN & PTNT cho hay: Chương trình chỉ tiêu của tỉnh đã và đang đóng thuyền cũng đưa lại những hiệu quả nhất định. Nghệ An là tỉnh có nhiều cơ sở đóng tàu thuyền, các cơ sở đều chịu khó đổi mới, năng động, sáng tạo về mẫu mã và đặc điểm khai thác của tỉnh nhà cũng như các tỉnh bạn.

Với một tỉnh có chiều dài bờ biển 82 km, ngư dân Nghệ An có truyền thống khai thác biển lâu đời, từ xa xưa những chiếc tàu thuyền đánh cá đã trở thành phương tiện mưu sinh cho lớp lớp người dân miền biển.

Cho đến hôm nay, lĩnh vực khai thác và chế biến thủy hải sản vẫn là một thế mạnh kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy nghề đóng tàu thuyền luôn cần được duy trì, phát triển và cũng cần có cơ chế để thu hút lao động tay nghề cao gắn bó với nghề.

Tác giả bài viết: Huy Cung

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP