Tin địa phương

Thiên đường cứu hộ giữa lòng di sản

Nằm giữa vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch) là Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ở đây, bên cạnh hàng trăm loài thực vật, động vật quý hiếm đang được chăm sóc còn có sự nỗ lực để nhân rộng, bảo tồn, trả lại cho núi rừng nhiều loài cây, con vốn đã vắng bóng trong môi trường tự nhiên…

Cận cảnh hoạt động cứu hộ…

Ông Trần Ngọc Anh, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng gặp chúng tôi hồ hởi bảo rằng: “Hôm nay, các anh là một trong những người may mắn được chứng kiến toàn bộ quá trình thả 1 cá thể lợn rừng nặng khoảng 30kg được Trung tâm đưa về cứu hộ từ 6 tháng trước...”, vừa nói xong Ngọc Anh kéo chúng tôi lên xe...

Cán bộ trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng chăm sóc cá thể Voọc Chà vá chân nâu.

Trời chiều cuối năm trong lòng di sản Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng se lạnh, sau gần nửa giờ chạy, xe dừng lại một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là thảm rừng già xanh mát. Địa điểm này được các cán bộ của trung tâm giới thiệu là khu nuôi thả bán hoang dã linh trưởng có diện tích khoảng 20ha, với 1.800m hàng rào lưới B40 và hệ thống kích điện bảo vệ chống động vật trèo rào ra ngoài được hỗ trợ xây dựng bởi Hội động vật Frankfurt (CHLB Đức).

Sau khi làm xong một số thủ tục, các cán bộ của trung tâm bắt đầu vận chuyển cá thể lợn rừng về khu nuôi thả bán hoang dã linh trưởng nằm cách đó khoảng nửa cây số. Trên đường đi, Ngọc Anh đã giải thích về nhiệm vụ công tác cứu hộ động, thực vật của Trung tâm với chúng tôi có đại ý rằng, nó là một quy trình chăm sóc rất nghiêm ngặt; yếu tố tự nhiên luôn được đặt lên hàng đầu, rồi sau khi chữa trị vết thương đến khi bình phục hoàn toàn thì thả về rừng, một số chưa quen với môi trường thì phải đưa vào khu phục hồi để quen dần...

Len lỏi đi dưới tán rừng, lội suối mười lăm phút sau, chúng tôi và các cán bộ của trung tâm cũng đã vận chuyển được cá thể lợn rừng đến khu nuôi thả bán hoang dã linh trưởng. Thấy có người tới, một số cá thể khỉ đang được nuôi thả ở đây lao vào tìm thức ăn, nhảy nhót, hét inh ỏi.

Ngọc Anh giải thích rằng, các cá thể này được nuôi nhốt tại hộ gia đình, sau khi bàn giao cho Trung tâm nên tập tính tự nhiên mai một đi, mình phải đưa vào đây phục hồi để một thời gian chúng quen với môi trường sau đó thả về rừng... Khi thả xong cá thể lợn rừng vào khu nuôi thả bán hoang dã, chúng tôi quay trở ra, nhìn trên khuôn mặt các cán bộ của trung tâm thấy ai cũng rạng rỡ vì nhiệm vụ đã hoàn thành.

Câu chuyện về công tác cứu hộ động vật, thực vật giữa lòng di sản Phong Nha- Kẻ Bàng trở nên sôi nổi khi Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Bộ phận cứu hộ sinh vật lý giải với chúng tôi, ở đây không chỉ cứu hộ động vật mà còn cả thực vật nữa.

Trong câu chuyện với Bình chúng tôi được biết, ở Phong Nha - Kẻ Bàng có một khu vườn dành cho phong lan. Chúng được “giải thoát” từ tay những “lâm tặc” buôn bán đưa về xuôi. Phong lan ở đây đủ loại, đủ tuổi. Trong các loại lan thì lan hài được coi là quý hiếm...

Nỗ lực cứu hộ, bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng...

Với diện tích hơn 123 ngàn ha, độ che phủ của rừng đạt hơn 93%, trong đó có 90% rừng còn ở dạng nguyên sinh, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được các nhà khoa học xếp hàng đầu về giá trị bảo tồn trong các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam.

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, các giống lan hài trung tâm đang chăm sóc là một trong 62 loài thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và trong 79 loài thực vật trong Sách đỏ thế giới đang có mặt ở Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.

Khu nuôi thả bán hoang dã có diện tích khoảng 20ha là nơi lý tưởng cho các loài linh trưởng sinh sống.

Riêng về lan, rừng Phong Nha - Kẻ Bàng có gần 300 loài. Trong các năm tìm kiếm, bảo tồn đã có hơn 160 loài được quy tụ ở đây. Năm 2017, Trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ 231,8 kg phong lan thuộc 15 loài, trồng trên giá 157 giò phong lan; thả về môi trường tự nhiên Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng 43 giò phong lan...

Đối với công tác cứu hộ động vật, từ năm 2002 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ trên 700 cá thể động vật hoang dã thuộc 46 loài. Trong đó, có 20 loài trong sách đỏ Việt Nam, 25 loài trong danh mục theo Nghị định 32/NĐ-CP. Trung tâm đã thả về môi trường tự nhiên Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 550 cá thể; chuyển giao các trung tâm cứu hộ, các cơ quan chức năng hàng trăm cá thể quý hiếm...

Năm qua, Trung tâm đã tổ chức nhân giống 20 loài cây bản địa và hiện đang nhân giống 5.000 hạt huê mộc để tạo nguồn giống phục vụ chương trình trồng rừng theo chương trình của Dự án bảo vệ rừng tại các xã vùng đệm; sản xuất được 1.564 cây giống thuộc 15 loài và trồng bổ sung vào Vườn thực vật 330 cây bản địa thuộc 5 loài; hoàn thành công tác chăm sóc mô hình trồng thử nghiệm 500 cây ba kích tím, 1ha giổi ăn hạt và 1ha sa nhân tím; chăm sóc gần 20.000 cây giống bản địa thuộc 92 loài trong Vườn quốc gia và khu vực phụ cận.

Ngoài ra, Trung tâm đã tiến hành nhân giống thử nghiệm một số loài cây bản địa quý hiếm và cây thuốc có giá trị dược liệu cao, như: Bách xanh đá, hoàng đằng, kim giao, pơ mu và giổi xanh bằng phương pháp giâm hom làm tiền đề cho việc nghiên cứu phát triển nguồn gen quý hiếm của Vườn quốc gia...

Câu chuyện cứu hộ thú rừng cũng như việc bảo tồn các loài thực vật quý hiếm của những người làm công tác nghiên cứu khoa học và cứu hộ ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong những ngày giáp Tết đã khiến cho chúng tôi cảm phục. Hoạt động của Trung tâm đã góp phần bảo tồn, đa dạng các loại động thực vật quý hiếm cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để nơi đây mãi là điểm đến nổi tiếng của du khách trong nước và quốc tế, là "địa chỉ đỏ" trên bản đồ du lịch thế giới.

Tác giả: Ngọc Hải

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP