Giáo dục

Thi THPT quốc gia: Vờ đi vệ sinh để...xem trộm World Cup

“Trót” ham mê bóng đá nhưng lại sắp bước vào giai đoạn cam go của kỳ thi THPT quốc gia, nhiều sĩ tử đã chọn cách lên kế hoạch học tỉ mỉ để không chồng chéo giữa thời gian học và xem World Cup.

“Không xem thì không cam lòng, nhưng nếu xem lại cảm thấy tội lỗi với sách vở”, vì thế ngay từ đầu mùa giải, Nguyễn Thành Long (cựu học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan, Thái Bình) đã mua lịch thi đấu treo trên góc học tập, đồng thời lên một thời gian biểu cụ thể để việc học không bị gián đoạn.

“Lịch học này được em bắt đầu thực hiện từ ngày 14/6, cũng là thời điểm diễn ra trận đấu đầu tiên của kỳ World Cup năm nay. Em thường tự học từ 8 giờ đến 11 giờ sáng. Sau khi sinh hoạt trưa, buổi chiều tối em sẽ đi học thêm một đến hai ca tùy ngày cho các môn Toán, Lý, Hóa. Riêng buổi tối, em sẽ giành toàn bộ thời gian để xem World Cup”.

Trót “say” World Cup trong mùa thi, bản thân Long có thể đọc vanh vách lịch thi đấu các ngày. Long cho rằng, để cân đối giữa việc học và xem bóng nhất định phải có chiến thuật.

Long giải thích:

“Các trận đấu diễn ra trong suốt cả một tháng ở nhiều khung giờ khác nhau, do vậy cần phải xem có chọn lọc. Em thường chọn trận để xem và chủ yếu tập trung vào những đội mình thích như Đức, Bồ Đào Nha, Brazil,… chứ không xem tất cả các trận đấu trong suốt mùa giải. Thường với những trận nhất định phải xem em đã tích sẵn vào lịch thi đấu và yêu cầu bản thân tuân thủ theo kế hoạch đã đặt ra”.

Cho rằng ôn thi THPT quốc gia là chuyện tích lũy kiến thức lâu dài, Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) quyết định dành một phần thời gian ôn luyện cho việc xem bóng.

Do các trận đấu thường diễn ra buổi tối nên Thắng phải tranh thủ học bài vào ban ngày.

“Em thường bắt đầu học từ 8h sáng nên buổi tối sẽ là thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Việc ôn luyện của em bắt đầu từ 2 năm trước chứ không phải đến bây giờ mới học dồn. Do vậy, tuần cuối này em cũng muốn đầu óc thoải mái thay vì áp lực dẫn tới việc học không vào. Em nghĩ học thật tập trung thì dù học ít thời gian vẫn có thể đem lại hiệu quả cao”.

Vốn yêu thích đội tuyển Pháp, Thắng tiếc hùi hụi vì đã bỏ lỡ trận đấu giữa Pháp và Australia diễn ra vào 5 giờ chiều ngày 16/6 vừa qua.

“Hôm đó, em phải đi học thêm nên thời điểm diễn ra trận đấu em thấy thấp thỏm lắm! Không được xem trực tiếp, trong giờ học em phải lấy điện thoại để lên mạng cập nhật tỉ số, đọc bình luận và xem những pha ghi bàn hay”. Thắng dí dỏm, đó có lẽ là “nỗi khổ chung của những người mê bóng”.

Ôn thi trong mùa World Cup khiến việc phân công giữa thời gian học và thời gian xem bóng của Phạm Định Hoàng Minh (cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn) gặp nhiều trở ngại.

Phải nài nỉ lắm, Minh mới có thể thuyết phục bố mẹ cho xem một vài trận cầu kịch tính trong khung giờ cho phép.

“Thực sự rất khó khăn để lựa chọn giữa xem bóng đá hay học bài. Nếu chọn xem bóng thì sẽ bị chậm tiến độ học, còn nếu không xem sẽ bỏ lỡ trận đấu hay. Nhiều khi thấy mọi người reo hò cổ vũ ở những pha bóng nguy hiểm khiến em cũng háo hức, thấp thỏm chỉ muốn học thật nhanh”.

Thay vì chịu cảnh “vừa ngồi học vừa hóng”, Minh chọn cách... vờ đi vệ sinh để ngó nghiêng xem trộm.

Dù rất muốn theo dõi nhưng dưới sự giám sát của phụ huynh, Minh chỉ có thể ngậm ngùi cập nhật diễn biến trận đấu trên các trang mạng xã hội và bản tin bóng đá.

Cũng giống như Minh, Đinh Hoàng Chí (cựu học sinh THPT Trần Phú, Hà Nội) cũng phải đấu tranh tư tưởng để lựa chọn giữa việc học và việc xem bóng.

Trong không khí ôn thi “cộng hưởng” cùng mùa World Cup, Chí chọn cách “hai trong một”.

Phương án này đòi hỏi Chí phải tranh thủ từng phút.

“Việc ôn luyện của em diễn ra trong cả một ngày. Trong giờ diễn ra trận đấu, mỗi khi hết hiệp hay hết trận, em thường tranh thủ giở sách ra học bài. Vì học các môn tự nhiên nên em cũng có thể vừa tính toán vừa nghe bình luận, đến đoạn gay cấn thì ngẩng lên xem một chút. Tất nhiên, cách này em chỉ áp dụng khi không có bố mẹ ở nhà”.

Dự định thi vào Trường Kinh tế Quốc dân với ngưỡng điểm chuẩn khá cao, Chí cho biết bản thân cảm thấy khá lo lắng và áp lực.

Nhưng cậu bạn khẳng định, trong giai đoạn nước rút này, việc xem World Cup chỉ mang tính chất giải trí, còn mục tiêu cao nhất vẫn là đỗ vào ngôi trường Đại học mà bản thân mơ ước.

Tác giả: Thúy Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP