Khi sự việc về thầy Hiệu trưởng tại Phú Thọ dâm ô hàng loạt nam sinh chưa kịp lắng xuống, thì những ngày gần đây liên tiếp xảy ra các vụ thầy giáo bị tố dâm ô nhiều nữ sinh tại Việt Yên, Bắc Giang hay thầy giáo nhắn tin gạ tình học sinh tại Thái Bình khiến cả xã hội hoang mang, đặt ra câu hỏi đâu là nơi thực sự an toàn với trẻ. Khi chính những người thầy, được đưa ra làm chuẩn mực, tấm gương đạo đức cho học trò lại có những hành vi đi ngược lại đạo đức.
Sáng 6/3, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức họp báo thông tin về vụ việc. Theo đó, kết quả thanh tra cho hay, do không phát hiện dấu vết trên thân thể 14 học sinh lớp 5A nên công an chưa xác định đủ căn cứ chứng minh thầy giáo M. có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Thầy giáo trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang bị tố dâm ô hàng loạt học sinh nữ. |
Phó Chủ tịch huyện Việt Yên - ông Nguyễn Đại Lượng cho biết: “Thầy giáo M. Chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số em"
Trước sự việc này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) bức xúc cho rằng: “Tôi rất bất ngờ về cách đưa ra kết luận thanh tra khi cho rằng khám trên cơ thể các cháu không phát hiện dấu vết bất thường, thầy giáo không có hành vi dâm ô mà chỉ là vỗ vai, sờ lưng, không đủ cơ sở để kết luận.
Hành vi dâm ô không thể để lại dấu vết, đôi khi chỉ cần một ánh nhìn, câu nói cũng được coi là quấy rối tình dục rồi. Vấn đề này mọi người thừa biết nhưng lại không dám thừa nhận. Ngay cả khi thầy giáo đã thừa nhận thì địa phương cũng không muốn thừa nhận, muốn biến nó thành những vấn đề "chẳng qua, chẳng là". Tôi nghĩ rằng những người đưa ra kết luận cũng thừa biết, nhưng tại sao lại không có thái độ nghiêm khắc, tìm cách lấp liếm, giảm nhẹ”.
Đồng quan điểm, bà Khuất Thu Hồng, chuyên gia các vấn đề về giới viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội cho rằng, sự việc ở Bắc Giang dường như đang có sự giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng. “Nếu kết luận thầy giáo không dâm ô, thì tức là học sinh nói dối? Họ đang đá quả bóng trách nhiệm sang cho học sinh. Nếu nói rằng thầy giáo chỉ vỗ mông, véo tai học sinh không phải là dâm ô, thì rõ ràng là cố tình không chịu trách nhiệm. Nếu không phải dâm ô thì là gì?”
Bà Hồng cho rằng, thực tế vẫn có những vụ xâm hại tình dục, dâm ô bị giảm nhẹ vì bệnh thành tích, để cuối cùng nạn nhân vẫn là những người phải chịu tất cả hậu quả.
Kẽ hở pháp luật?
Theo Ths. Ls Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), pháp luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong việc bảo vệ trẻ em tuy nhiên nhiều vụ việc đau lòng vẫn ngang nhiên tiếp diễn.
Theo luật sư Cường, cần phải làm rõ tính chất của sự việc, phân biệt rõ "dâm ô" và "quấy rối tình dục".
Cụ thể, khái niệm dâm ô có thể được hiểu là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác nhằm kích thích hoặc thỏa mãn tình dục, hành vi quấy rối tình dục được hiểu là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi dùng lời nói hoặc cơ thể để khơi gợi tình dục không mong muốn khiến người bị quấy rối cảm thấy phiền hà, xấu hổ. Hành vi quấy rối tình dục ít nguy hiểm hơn dâm ô.
Trong vụ việc xảy ra ở Bắc Giang nêu trên, cơ quan điều tra cần thận trọng trong quá trình điều tra để làm rõ hành vi, động cơ, mục đích để xác định đối tượng có phạm tội hay không. Nếu phạm tội dâm ô với người dưới 16 tuổi hay tội hiếp dâm người chưa đủ 16 tuổi có thể bị phát tù từ 3-7 năm. Trong trường hợp gây ra tổn hại tinh thần hay dẫn đến hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt từ 7 đến 12 năm.
Còn luật sư Nguyễn Văn Tú cũng cho rằng hệ thống pháp lý hiện nay đang có những khoảng trống, các khái niệm như “giao cấu’, “quấy rối tình dục” không được định nghĩa là khó khăn gốc của mảng hệ thống pháp luật này. Có hàng trăm loại hành vi tấn công tình dục vẫn không được quy định.
Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ từ những vụ án này cũng hết sức khó khăn. Khó khăn cũng đến từ tâm lý của các cơ quan áp dụng pháp luật như tâm lý lo ngại án oan, nên các cơ quan khối nội chính chọn giải pháp an toàn, nhiều tội phạm nghiêm trọng bị bỏ lọt.
Hay sự thiếu sót trong đào tạo giáo viên?
Nói về việc liên tiếp có các vụ giáo viên xâm hại, dâm ô, quấy rối tình dục học sinh xảy ra trong thời gian gần đây, bà Khuất Thu Hồng cho rằng giáo viên được coi là người có “quyền lực” và sức ảnh hưởng nhất định với học sinh, nhưng lại lạm dụng những quyền lực đó để thực hiện những hành vi trái đạo đức như dâm ô, xâm hại tình dục các em là vấn đề rất nghiêm trọng.
“Tôi cho rằng đây là vấn đề vi phạm nghiêm trọng của nhà giáo. Nó không chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mà còn là thiếu đạo đức, chỉ ra những lỗ hổng lớn trong đào tạo giáo viên cũng như khâu quản lý trong các trường học, ngành giáo dục để xảy ra những sự việc đáng buồn, đau lòng. Đã có sự việc xảy ra hàng năm trời với hàng chục học sinh như tại Phú Thọ, các giáo viên khác biết nhưng lại đem ra làm trò đùa thì thực sự không thể hiểu nổi. Quan hệ thầy trò là quan hệ đặc biệt, thầy giáo không chỉ là người truyền giảng kiến thức mà còn là hình mẫu đạo đức, hành vi ứng xử nhưng lại đi lợi dụng điều đó để làm những việc đáng bị lên án”.
Bà Hồng cho rằng, những sự việc này cho thấy lỗ hổng trong đào tạo giáo viên. Chuyên gia đặt câu hỏi rằng, liệu các trường sư phạm có giảng dạy cho sinh viên về những “vùng cấm”, những hành động không bao giờ được xâm phạm?
“Nếu như sinh viên trường Y phải học thuộc lòng lời thề Hippocrates thì liệu sinh viên sư phạm có được giảng dạy những điều tương tự? Phải chăng chất lượng đào tạo các trường Sư phạm đang có vấn đề? Đây là câu chuyện lớn mà ngành giáo dục cần nhìn nhận nghiêm khắc và xử lý”, bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh./.
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: Báo VOV