Trong nước

Tham nhũng vặt

Xưa nay người ta chỉ nghĩ đến tham nhũng như hành vi của cán bộ công quyền, từ việc bòn rút tài sản công cho đến hạch sách người dân để nhận hối lộ. Thế nhưng nếu coi tham nhũng đơn giản là “lấy cái gì đó không phải của mình”, thì mức độ phổ biến của hành vi này còn lớn hơn rất nhiều trong xã hội.

Người dân liệu có tham nhũng được hay không?

Những ai muốn đi tìm câu trả lời, có thể nhìn vào sự cố mới bị phát hiện ở tỉnh Nghệ An. Vừa qua địa phương này phát hiện gần 900 người giả làm thương binh để nhận tiền trợ cấp, gây thiệt hại tạm tính lên đến hơn 120 tỷ đồng. Con số này khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi quy mô của nó ngang tầm với một vụ lừa đảo cỡ lớn. Điều này trước hết đặt dấu hỏi về năng lực quản lý của cơ quan chức năng, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ,T và sau đó, là vấn đề đạo đức: tại sao một số lượng lớn các cá nhân trong xã hội sẵn sàng đánh đổi danh dự để lấy vài trăm nghìn mỗi tháng?

Đây là câu chuyện có lẽ không hiếm ở những nơi khác, dù diễn ra dưới các hình hài khác nhau: một gia đình “chạy” hộ nghèo để được hưởng ưu đãi vay vốn và tiền trợ cấp, ông bố bà mẹ sốt sắng đi “chạy điểm” vào đại học cho con, hay một anh xe ôm chạy lòng vòng để lấy thêm tiền của khách. Đáng sợ hơn, những hình thức gian lận như vậy không những không bị lên án, mà còn được coi là biểu hiện của khôn ngoan.

Giải pháp duy nhất để loại trừ tham nhũng vặt: làm trong sạch bộ máy nhà nước và loại trừ hoàn toàn nạn tham nhũng vặt của công chức, viên chức.
Một người sẽ bị coi là “dại” nếu không biết bớt xén đồ đạc, vật liệu của cơ quan để vun vén cho nhà riêng. Một lần, khi vật liệu được đổ ra bên đường để chuẩn bị cải tạo đường liên thôn, tôi thấy già trẻ trong một xóm gần đó hò nhau ra xúc cát, nhựa đường về “sửa lại cái sân trước nhà”. Tôi tin ai cũng có thể nghĩ ra một ví dụ minh hoạ cho cuộc “chạy đua tham nhũng” như vậy.

Xưa nay người ta chỉ nghĩ đến tham nhũng như hành vi của cán bộ công quyền, từ việc bòn rút tài sản công cho đến hạch sách người dân để nhận hối lộ. Thế nhưng nếu coi tham nhũng đơn giản là “lấy cái gì đó không phải của mình”, thì mức độ phổ biến của hành vi này còn lớn hơn rất nhiều trong xã hội.

Điều kinh khủng là khi coi tham nhũng chỉ là chuyện của nhà nước, tham nhũng sẽ dần được tầm thường hoá, là thứ ai cũng muốn làm, chẳng qua là chưa có cơ hội. Một xã hội không coi trọng liêm chính, minh bạch, và phẩm giá kiểu như vậy là một xã hội đang đứng bên miệng vực sâu. Nói như triết gia người Anh Hobbes, con người trở về với trạng thái tự nhiên nguyên thuỷ, nơi “tất cả đối đầu với tất cả”.

Và chúng ta không phải đang cách quá xa trạng thái đó. Việt Nam luôn nằm trong danh sách những quốc gia có chỉ số cảm nhận tham nhũng cao nhất, từ chỉ số CPI của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho đến những xếp hạng từ World Bank, Heritage, hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016 của Việt Nam xếp hạng 113/176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn theo xếp hạng mới nhất của tổ chức Heritage về tự do kinh tế, Việt Nam xếp thứ 141/180. Và Lưu ý việc đo lường “mức độ” tham nhũng là rất khó, bởi vậy, những chỉ số nêu trên chỉ nhấn mạnh về cảm nhận của người dân. Khi “cảm nhận tham nhũng” xếp hạng càng cao, thì mức độ tin tưởng của họ vào tính liêm chính của bộ máy nhà nước càng thấp. Liệu chúng ta có thể đòi hỏi người khác “sống tử tế” nếu như chính mình không “sống tử tế”?

Điều này dẫn đến giải pháp duy nhất để loại trừ tham nhũng vặt: làm trong sạch bộ máy nhà nước và loại trừ hoàn toàn nạn tham nhũng vặt của công chức, viên chức. Khi “người bảo hiểm cuối cùng” của người dân là đáng tin cậy, thì họ có thêm sức mạnh để liêm chính. Những người tố cáo các sai phạm cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc lôi ra ánh sáng những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi ở cả trong lẫn bên ngoài bộ máy nhà nước.

Trong những năm qua, hiện tượng này đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là trong việc xử lý giấy tờ hành chính, hoạt động của cảnh sát giao thông/thanh tra giao thông,…Tuy nhiên, những tiến bộ này thường chỉ thấy ở những địa phương lớn, và mức độ giảm dần từ trung ương cho đến cơ sở. Thêm vào đó, dù được phân công vai trò “kiểm tra”, người dân thực sự vẫn chưa có nhiều tiếng nói trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Luật Tiếp cận Thông tin, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 vừa qua, là cơ sở đầu tiên để thay đổi thực trạng này. Tuy nhiên, người dân cần nhiều hơn nữa những cơ chế giúp họ trực tiếp tham gia, ví dụ như thành lập hội, tổ chức giám sát, hay được đảm bảo các quyền tố cáo tham nhũng bằng các hình thức khác nhau.

Thực tế cho thấy xử lý “tham nhũng vặt” khó hơn nhiều so với các đại án tham nhũng. Thay vì chỉ xẩy ra trong một khu vực nhỏ (nhà nước), nó có thể diễn ra ở mọi ngóc ngách với nhiều hình thức khác nhau. Chúng còn là hiện tượng dễ được chấp nhận hơn do thiệt hại kinh tế nhỏ, khiến nhiều người tặc lưỡi bỏ qua khi chứng kiến sai phạm. Nhưng hoạ phúc diễn ra không chỉ trong một ngày, im lặng với tham nhũng nhỏ dần dần sẽ tạo quán tính cho những vụ tham nhũng lớn hơn. Xã hội chỉ bền vững khi đặc lợi cá nhân, trong trường hợp đa số, luôn bị đặt dưới tính liêm chính và công bằng.

Tác giả: Nguyễn Khắc Giang

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: tham nhũng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP