Giáo dục

Thả cửa vào đại học, các trường cao đẳng lo bị "cắt thức ăn và rút ống thở"

Chủ tịch HĐQT trường Cao đẳng ASEAN cho rằng, những quy định tuyển sinh năm nay là hành động "cắt thức ăn và rút ống thở" đối với các trường Cao đẳng.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là Bộ sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).

Dù dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp nhưng dư luận xã hội lo ngại, nếu Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì có thể nhiều trường tuyển sinh bằng mọi giá để thu hút thí sinh.

Vấn đề này đã được nêu ra trong hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” diễn ra ngày 22/12 vừa qua, GS.Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội cho rằng ông ủng việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn trong quy chế tuyển sinh năm nay.

"Tôi đã đề nghị bỏ điểm sàn từ 10 năm nay rồi vì điểm sàn chẳng có lợi gì cho ai cả mà những em học sinh dân tộc thiểu số hay học sinh ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bất lợi vì không thể đạt được mức điểm sàn" – GS.Trần Phương nói.

Tuy nhiên, GS.Trần Phương cho rằng, Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn nhưng Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội sẽ không bỏ. Bởi các trường sẽ có điểm chuẩn trúng tuyển của trường và đó chính là "điểm sàn" của trường.



Ông Phương cho rằng: "Thực tế việc bỏ điểm sàn là có lợi cho những trường Đại học ở tỉnh vì các trường này nếu có điểm sàn thì không bao giờ tuyển đủ sinh viên".

Chính vì vậy, GS.Phương khẳng định, việc áp dụng như tất cả các nước, có bằng THPT là có quyền đăng ký vào Đại học là phù hợp. Các trường phải thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo của mình và mức học phí thỏa đáng.

Trường công đang lấy hết học sinh tốt của các trường tư

Cũng trao đổi tại hội thảo này, bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN cho rằng:

Với quy chế tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn xét tuyển Đại học nhưng lại cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và các trường Đại học tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu thì sẽ không còn gì để các trường Cao đẳng lấy học sinh nữa.

Bà Phương so sánh những quy định tuyển sinh năm nay là hành động "cắt thức ăn và rút ống thở" đối với các trường Cao đẳng.

gdvn ba Phuong
Bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

"Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại vấn đề này. Muốn các trường phát triển thì chúng ta phải có chế độ chính sách để cả xã hội phát triển", bà Phương nêu ý kiến.

Theo bà Phương, chính sách hiện nay đang thừa thầy, thiếu thợ là không đúng quy luật phát triển. Phải thợ nhiều, thầy ít mới đúng nhưng chúng ta đang làm ngược lại.

"Ở Việt Nam ai cũng cố gắng để con em vào đại học, thành ra hiện nay nhiều em có bằng đại học phải giấu đi để tuyển vào các công ty nước ngoài làm việc. Đó là một bất cập.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xem xét lại các chính sách để các trường Cao đẳng chúng tôi có đầu vào nếu không các trường Cao đẳng sẽ chết" - bà Phương nói.

Ngoài ra, bà Phương cũng cho rằng, quy chế tuyển sinh hiện nay là giẫm đạp lên nhau và các trường công đang lấy hết học sinh tốt của các trường tư.

"Bột mì đã là loại 4 loại 5 thì thợ giỏi bậc mấy cũng không bao giờ làm được sản phẩm tốt được" - bà Phương so sánh.

Ngoài ra, bà Phương thẳng thắn cho biết: "Các trường tư thục đang khó khăn lại càng khó khăn hơn là do cơ chế chính sách hiện nay".

Bộ G&ĐT ra Thông tư 32 (quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh) nhưng không thực hiện đúng, các trường tự chủ chỉ tiêu và khai lung tung cả. Có những trường công không hề có đất, phải đi thuê cơ sở vật chất nhưng vẫn tồn tại.

"Chỉ cần Bộ áp dụng đúng theo quy định đặt ra ở Thông tư 32 không cho các trường Đại học công lập tuyển vượt chỉ tiêu, như vậy sẽ có số dư cho các trường tốp dưới và các trường tư" - bà Phương đề xuất.

Trước những vấn đề này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng:

Luật Giáo dục Đại học đã trao nhiều quyền tự chủ cho các trường, trong đó có việc chủ động tuyển sinh. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể coi là tiêu chuẩn đầy đủ và cần thiết để các trường lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.

Còn việc các trường Đại học tuyển sinh như thế nào và đào tạo ra sao để đảm bảo chất lượng sinh viên là trách nhiệm của họ.

GS.Thiệp lưu ý, khi các trường Đại học công bố “điểm sàn” của riêng mình thì cần phải minh bạch các thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện học tập, tỉ lệ có việc làm cho sinh viên sau khi ra trường cho phụ huynh, học sinh và xã hội biết.

Ngoài ra, GS.Lâm Quang Thiệp cũng nhấn mạnh, khi là các trường tốp trên và đã được đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mà lấn sân sang các trường tốp dưới, như trước kia có trường tuyển sinh "vét" đến tận điểm sàn là không đúng.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP