Giáo dục

Tạo hành lang pháp lý cho công tác tâm lý nhà trường hoạt động

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về ban hành hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý học sinh trường phổ thông. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để các nhà trường đưa công tác tư vấn tâm lý đi vào hoạt động bài bản, hiệu quả. Vậy việc triển khai công tác này thực hiện như thế nào tại các trường học?

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đã giải thích rõ hơn về quy định mới này.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT)

Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 về ban hành hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý, trong đó yêu cầu các trường xây dựng tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Vậy các tổ tư vấn này sẽ thực hiện như thế nào, ai sẽ thực hiện, phương pháp thực hiện ra sao, có giáo viên tâm lý hay kiêm nhiệm thưa ông?

Thông tư quy định các trường phổ thông có Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.

Thành phần Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh bao gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học; cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội; đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.

Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm thành lập Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh, đồng thời quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.

Để chuẩn bị cho thực hiện công tác tư vấn học đường, từ năm 2008 việc đào tạo ngành Tâm lý học đường đã được triển khai trong một số trường đại học sư phạm.

Các nội dung, quy trình, phương pháp tư vấn tâm lý cũng đã được thực hiện trong mô hình tâm lý học đường ở nước ta một số năm vừa qua và đã được các chuyên gia Tâm lý học tổng kết, tới đây sẽ chuyển giao cho các trường.

Trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các trường đại học sư phạm có đào tạo ngành Tâm lý học đường để tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia công tác này.

Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, đã quy định vị trí giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn học sinh, các trường phổ thông được sử dụng từ 03 tiết đến 08 tiết/01 tuần (tùy theo vùng miền và tổng số lớp học của từng trường) để thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho học sinh.

Thông tư 31 cũng quy định cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm, có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý.

Tư vấn, tham vấn tâm lý là quá trình hỗ trợ học sinh phát triển tâm lý, nhân cách một cách tốt nhất.

Trước đây, có nhiều cơ sở giáo dục phổ thông cũng đã tự phát thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Liệu thông tư mới này có làm thay đổi nâng cao chất lượng công tác tâm lý học đường hiện nay?

​Thực tế thời gian qua, một số địa phương đã triển khai có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thí điểm thành lập phòng tham vấn tâm lý ở 10 trường THCS, 10 trường THPT trong khuôn khổ Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”.

Các phòng tham vấn này đã thể hiện hiệu quả tích cực trong việc tư vấn tâm lý học đường, được học sinh, giáo viên, phụ huynh ủng hộ và tham gia hỗ trợ. Ngoài ra, một số nhà trường đã lập phòng/góc tư vấn tâm lý với các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa.

Tuy nhiên, do các bộ phận này thường được ghép chung với phòng y tế hoặc phòng Đoàn/Đội và các thiết bị phục vụ công tác tư vấn tâm lý còn rất hạn chế; cán bộ thực hiện công tác tư vấn tâm lý cũng hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ về tư vấn tâm lý nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Khó khăn lớn nhất vẫn là chưa có văn bản pháp quy để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai công tác tư vấn tâm lý.

Khi chưa có cơ sở pháp lý thì sự quan tâm cũng như việc thực hiện các hoạt động này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức chủ quan của lãnh đạo các nhà trường. Chính vì vậy, công tác tư vấn cho người học chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của học sinh.

Mặc dù vậy, kết quả đạt được tại các địa phương thời gian qua đã giúp Bộ GD&ĐT đánh giá sát hơn các nhu cầu của học sinh, khó khăn của các nhà trường để có hướng xây dựng nội dung Thông tư phù hợp, giải quyết tốt các yêu cầu của thực tiễn.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các chuyên ngành về khoa học tâm lý giáo dục khẩn trương hướng dẫn giảng dạy lồng ghép các nội dung cần tư vấn cho học sinh vào các môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường và các vấn đề khác có liên quan của Thông tư này thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, xây dựng chương trình bồi dưỡng đối với giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông; xây dựng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường cho cán bộ, giáo viên các trường phổ thông.

Tổ chức hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai Thông tư này đối với các sở GD&ĐT; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông. Chỉ đạo, kiểm tra việc bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường.

​Ông có kỳ vọng Thông tư này làm phần giảm được tình trạng bạo lực học đường hiện nay không?

Tư vấn, tham vấn tâm lý là quá trình hỗ trợ học sinh phát triển tâm lý, nhân cách một cách tốt nhất. Hoạt động này giúp khơi dậy năng lực cá nhân người học, phát triển bản lĩnh của người học, phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Trong hoạt động của phòng tư vấn cũng có nội dung về trang bị kiến thức/ cách thức xử lý, phòng tránh phòng ngừa bạo lực học đường; quan tâm cả về các biện pháp giáo dục, tâm lý đối với các đối tượng có liên quan (chủ thể gây ra bạo lực, người bị bạo lực, người chứng kiến…).

Như vậy, vấn đề giáo dục phòng ngừa bạo lực được quan tâm; bên cạnh đó công tác tư vấn tâm lý cùng còn chú trọng đến việc phát hiện các vướng mắc, khó khăn của người học và các mâu thuẫn nảy sinh giữa các học sinh với nhau… để thầy cô giáo tư vấn tháo gỡ kịp thời.

Do vậy, nếu các nhà trường thực hiện tốt các nội dung tư vấn này sẽ trực tiếp góp phần làm giảm bạo lực học đường.

Các số liệu tổng kết sau khi triển khai dự án phòng tư vấn tâm lý ở các trường giai đoạn 2013-2016 tại Hà Nội cho thấy, tình trạng bạo lực học đường ở các trường tham gia Dự án giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn tâm lý có tác dụng, hiệu quả thiết thực trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, tích cực; tác động một cách tổng thể, giảm thiểu các vấn đề về tâm lý ở học sinh nói chung và hành vi bạo lực trong nhà trường nói riêng.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP