Trong nước

Tăng phí “khủng” trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài: Bộ Giao thông nói gì?

Trao đổi với PV Dân trí chiều nay (6/11), ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết - Bộ đã nhận được văn bản đề xuất tăng phí đường bộ qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, tuy nhiên đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ mới có thể quyết định.

Bộ GTVT chưa có quyết định về đề xuất xin tăng phí qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài

Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 mới đây đã có đề xuất bằng văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về 2 phương án tăng phí đường bộ qua trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), mức điều chỉnh tăng từ 3 - 4 lần so với hiện tại.

Việc đề xuất tăng phí đường bộ của Vietracimex 8 vượt thẩm quyền của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên cơ quan này đã báo cáo lên Bộ GTVT xem xét và quyết định.

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết: “Bộ GTVT đã nhận được văn bản đề xuất của Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8. Bộ đã giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và có ý kiến tham mưa. Hiện các cơ quan vẫn chưa có báo cáo cụ thể”.

Nói về quan điểm của Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay: Việc điều chỉnh tăng hay giảm phí phải căn cứ trên cơ sở hợp đồng đã ký và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

“Việc tăng phí phải tính toán kỹ về lợi ích của 3 bên là Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ (tức người dân)” - Thứ trưởng Công nhấn mạnh.

Hiện tại, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài là 15.000 đồng/xe/lượt, thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng tuyến tránh TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), cách điểm trạm này gần 30km.

Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến trong hợp đồng gốc là 16 năm 10 tháng 11 ngày (kết thúc vào ngày 11/11/2027) với lộ trình tăng phí từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ kể từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên, do trạm thu phí Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh) bị “xóa sổ”, phí chưa được tăng theo lộ trình nên bị thiệt hại lớn.

Đây là trạm Việc trạm thu phí đặt “nhầm chỗ”, gây bức xúc cho người dân trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư này đề xuất tăng giá dịch vụ tại trạm theo 2 phương án với mức thu tăng gấp 3 - 4 lần.

Ở một diễn biến khác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang rà soát 54 dự án BOT giao thông nhằm mục tiêu giảm phí đường bộ. Tổng cục này đã tổ chức đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và địa phương về giảm giá vé đối với 39 dự án.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP