Kinh tế

Tăng lương tối thiểu vùng: Doanh nghiệp không "tâm phục khẩu phục"

Cứ căn cứ vào mức sống tối thiểu để nâng lương tối thiểu, nhưng mức sống tối thiểu là bao nhiêu chưa ai xây dựng, công bố; mức lương cơ sở công chức có bằng đại học thấp hơn mức lương tối thiểu của lao động phổ thông… là nhiều bất hợp lý DN nêu.

Tại phiên họp thứ ba của Hội đồng tiền lương quốc gia, lương tối thiểu vùng năm 2018 đã được chốt tăng ở mức 6,5%. Theo đó, vùng 1 tăng 230.000 đồng lên thành 3,98 triệu đồng/tháng, vùng 2 tăng 210.000 đồng lên 3,53 triệu đồng/tháng, vùng 3 tăng 190.000 đồng lên 3,09 triệu đồng/tháng, vùng 4 tăng 180.000 đồng lên thành 2,76 triệu đồng/tháng.

Trong khi phương án này sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình lên Chính phủ để quyết định mức tăng lương năm 2018 thì vẫn còn nhiều ý kiến của doanh nghiệp (DN) đang trực tiếp sử dụng, chi trả lương cho người lao động.

Doanh nghiệp đồng ý tăng lương tối thiểu nhưng họ cho rằng, bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn phải giảm xuống.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần may Hưng Yên cho hay, trong các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng, của VCCI với các DN đều xác định năm nay là năm khó khăn, khả năng cạnh tranh giữa DN Việt với nước ngoài thấp, vì thế bây giờ bất kể cái gì tăng thêm đều khó khăn đối với DN Việt.

Ông dẫn chứng, với DN nước ngoài, họ có lợi thế về vốn gần như không phải đi vay, nếu có phải đi vay thì lãi suất chỉ khoảng 1-2%; còn với DN Việt khi đi vay mức lãi suất thấp nhất cũng 7%, riêng khoản lãi ngân hàng đã chênh 5% so với DN nước ngoài. Trong khi đó, các khoản đóng góp về chi phí lao động như BHXH, chi phí công đoàn… trực tiếp đến người lao động thì ở nước ta đều đang ở mức cao so với các nước quanh khu vực, vì thế khả năng cạnh tranh của DN Việt là rất khó khăn.

“Tỷ lệ đóng BHXH, phí công đoàn đã lên đến 34,5%, nếu năm nay lương tăng lên 6,5% nữa thì chi phí này tăng lên khoảng 2% quỹ lương nữa. Ví dụ ở Công ty May Hưng Yên, nếu tính 2% trên tổng lương, hiện đang đóng trên lương cơ sở là 4,5 triệu đồng thì 2% tương ứng khoảng 90.000 đồng/tháng.

Như vậy, 1 năm phải đóng thêm xấp xỉ 1,1 triệu đồng và với 16.000 lao động thì Công ty May Hưng Yên phải tăng lên 15 tỷ đồng đóng BHXH, con số này là rất lớn. Đối với những DN lỗ thì không lấy đâu ra tiền để chi trả hộ người lao động khoản đó, buộc phải lấy từ quỹ lương ra thì có nghĩ tổng thu nhập thực tế của người lao động sẽ bị giảm xuống. Còn với những DN có lãi ít thì sẽ không còn lãi nữa, đóng góp cho ngân sách sẽ không còn nữa”, ông Dương nói.

Mặc dù việc lương tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới DN Việt, nhưng nếu không tăng thì những DN nước ngoài sẽ không tăng cho người lao động vì họ đang sử dụng mức lương tối thiểu để trả lương cho người lao động.

Ông Dương chỉ ra những điều bất hợp lý của việc tăng lương tối thiểu. Cứ căn cứ vào mức sống tối thiểu để nâng tiền lương tối thiểu, nhưng mức sống tối thiểu là bao nhiêu chưa ai xây dựng, công bố cái này cả. Trong khi mức sống tối thiểu của Chính phủ công bố chỉ có hơn 2 triệu đồng; trong khi lương của DN thì khoảng 3,5-4 triệu/tháng.

“Có điều vô lý, trong khi công chức, viên chức khi học đại học ra mức lương là 2,34 x 1,3 triệu đồng thì tương đương 3 triệu đồng/tháng, còn lương của DN lại bắt trả cho những người lao động phổ thông chưa có đào tạo gì thì lương phải tới 3,8-4 triệu đồng/tháng (khi tăng thêm 6,5%). Như vậy, là khập khiễng. Nhà nước không tăng nhưng bắt DN tăng, khiến DN bức xúc”, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, đồng ý tăng lương nhưng BHXH, chi phí khác phải giảm xuống làm sao khi cộng vào chỉ khoảng hơn 20% thôi nhưng hiện vẫn trên 34% thì bất hợp lý. Nếu tăng lương mà giảm các chi phí xuống thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều không có ý kiến gì cả.

“Phải tính lại chuẩn như thế nào là mức sống tối thiểu? Hiện nay chưa có trong khi Chính phủ công bố mức sống bình quân của người dân Việt chỉ hơn 2 triệu đồng, mức sống tối thiểu lại nâng lên 3-4 triệu đồng.

Tại sao mức sống tối thiểu lại cao hơn mức sống bình quân? Rõ ràng, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cùng với các DN, công đoàn cần xây dựng lại mức sống tối thiểu. Năng suất không tăng nhưng cứ bắt DN phải chi để trả người lao động thì lấy gì để đóng góp cho đất nước? Hơn nữa, lương của DN cao hơn nhiều so với lương công chức rồi thì tại sao cứ phải đẩy lên, đó là điều bất hợp lý”, ông Dương nhấn mạnh.

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu Aprocimex khi trao đổi với chúng tôi cũng cho rằng, DN đang rất khó khăn, nếu DN còn tồn tại thì vẫn có mức thấp mức cao, người lao động vẫn có việc làm, tăng quá thì DN không còn khả năng chi trả thì buộc DN đóng cửa, giải thể và người lao động mất việc làm.

Theo đánh giá của ông Lý, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% là hài hòa, dù có thể có khó khăn cho DN. Giá cả, chỉ số lạm phát, lãi suất mấy năm vừa rồi không có nhiều biến động.

“Nhưng nếu tăng lương tối thiểu theo năm là bất hợp lý, tăng trưởng GDP cứ nghĩ DN tăng trưởng, có phải DN nào cũng tăng trưởng đâu, đôi khi hiểu nhầm hai chỗ đó, nên khi GDP tăng trưởng 6,5-7% thì tăng lương là không được. Lương phải có lộ trình 3-5 năm tăng một lần, chứ năm nào cũng tăng lương DN chịu sao nổi, đây là sự thiếu khoa học. Trong khi mức lương của công chức tối thiểu 3 năm tăng một lần mà lương tối thiểu 1 năm tăng 1 lần là không ổn”, ông Lý nói thêm.

Tác giả: Minh Thư

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP