Pháp luật

Tặng hàng hiệu, nhẫn kim cương để lừa vào bẫy tín dụng

Để tạo niềm tin, nhóm này vô vùng thân thiện, mua nhẫn kim cương, túi hàng hiệu tặng khách hàng. Thậm chí còn tìm cách giúp các công ty thoát khỏi khó khăn.

Phòng Cảnh sát Hình sự công an thành phố hà Nội vừa bắt giữ ổ nhóm núp bóng doanh nghiệp để cho vay nặng lãi với quy mô lớn. Bắt giữ 11 đối tượng, thu giữ tại chỗ số tiền hơn 11 tỷ đồng. Điều đáng nói, các đối tượng mắc trong bẫy tín dụng đen của đường dây này phần lớn là các doanh nghiệp

11 đối tượng trong ổ nhóm cho vay lãi nặng (ảnh do công an cung cấp).

Hơn 120 doanh nghiệp vay và nhiều nghìn tỷ đồng tiền lãi

Cầm đầu đường dây là Triệu Đình Hoan SN 1979 trú tại Khu đô thị Văn quán Hà Đông, Hà Nội. Hoan là đối tượng đã có 1 tiền án về tội "Vi phạm quy định điều khiển phương tiện về giao thông đường bộ" (nhưng được hưởng án treo).

Theo tài liệu của cơ quan Công an, năm 2010, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Hải Linh (Công ty Hải Linh), Hoan đăng ký kinh doanh các lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, nhưng thực chất là tổ chức núp bóng doanh nghiệp để cho vay nặng lãi. Khách hàng của Hoan chủ yếu là các doanh nghiệp, hoặc cá nhân vay với mục đích đáo nợ ngân hàng. Tỷ lệ lãi suất Hoan cho vay dao động từ 2.000 đồng/ triệu/ ngày đến 5.000 đồng/ triệu/ ngày.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Hình sự Công an thành phố Hà Nội cho biết, một trong những điểm khác biệt của thủ đoạn cho vay tín dụng đen này với các vụ việc khác là đối tượng vay phần lớn là các doanh nghiệp xây dựng có tài sản, nhưng tại một thời điểm nhất định lại đang gặp phải khó khăn về tài chính. Theo tài liệu xác minh ban đầu, công ty của Hoan đã cho khoảng 120 doanh nghiệp và cá nhân vay tiền kiểu trên với số tiền lên đến 1600 tỷ đồng, tiền lãi thu về nhiều nghìn tỷ đồng.

Kịch bản cho vay được nhóm này đặt ra là quan tâm đến doanh nghiệp có thu nhập tốt, sau đó mua quà có giá trị để tặng thể hiện sự quan tâm. Kịch bản nữa đó là cho doanh nghiệp vay tín dụng đen mua đất. Do đó, họ rất thân thiết với Ngân hàng, nếu doanh nghiệp chịu vay tín dụng đen để mua đất họ cam kết sẽ có trách nhiệm giúp doanh nghiệp thế chấp mảnh đất để vay tiền của Ngân hàng với mức cao hơn giá trị của lô đất.

Cụ thể, nếu họ cho doanh nghiệp vay 10 tỷ để mua đất, họ sẽ giúp doanh nghiệp thế chấp chính mảnh đất đó để vay ngân hàng được hơn 10 tỷ. Lúc này, theo tính toán của các doanh nghiệp thì thường nghĩ rằng, mình vừa trả được 10 tỷ tiền vay mà lãi thì vẫn dư ra một khoảng 1,2 tỷ đồng để trang trải. Thế nhưng thực tế, nếu vay ngân hàng thì khoảng 3,4 tháng sau doanh nghiệp mới được ngân hàng giải ngân cho vay. Trong thời gian chờ đợi, hằng ngày doanh nghiệp phải trả lãi mẹ đẻ lãi con và khi nhận được tiền vay từ ngân hàng chỉ đủ trả khoản nặng lãi trong khi nợ gốc vẫn còn nguyên.

Từ thực tế của bản thân, anh Trung chủ một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn cho biết, sau nhiều lần vay, trả đến ngày 25/12/2017 anh vẫn nợ tín dụng đen khoảng 6 tỷ đồng. Đến tháng 4/ 2018, anh Trung vay thêm 12 tỷ đồng của Hoan nhằm mục đích mua đất để cầm cố ngân hàng trả nợ. Bởi thời điểm này, có người đồng ý bán cho anh Trung mảnh đất 18 tỷ, nhưng chỉ phải trả trước 12 tỷ đồng, số còn lại người này đồng ý cho anh Trung nợ khoảng 1 năm sau mới phải trả. Lúc đó, theo tính toán của anh Trung, nếu đem mảnh đất này thế chấp ở Ngân hàng, cộng uy tín công ty anh có thể vay được được 18 đến 20 tỷ đồng. Như vậy vừa trả được khoản nợ tín dụng đen vừa vay, vừa có thể trả được khoản tín dụng đen vay trước đó. Nhưng bản thân anh Trung lại không hình dung được, sau khoảng 3,4 tháng Ngân hàng mới giải ngân thì số lãi nó bùng lên rất nhiều. Nếu ngân hàng giải ngân chậm 1 tháng thì 18 tỷ với lãi suất 150 triệu đồng/1 tỷ 1 tháng anh Trung sẽ mất thêm 2,7 tỷ một tháng.

“Tôi vay mức lãi suất 5000 triệu/ ngày. Tôi đã thanh toán cho bên cho vay rất nhiều lần nhưng không dứt ra được. Nỗi sợ của tôi lên đến đỉnh điểm không thanh toán được là tôi phải tắt điện thoại, đưa vợ con đi trốn. Lúc đó, tôi xác định cuộc sống của mình đã mất hết quyền công dân rồi. Khi tôi không trả họ nhắn tin, gọi điện khủng bố tinh thần, gây sức ép với câu từ như “chặt chân, tay” khiến mình phải xuất hiện trả tiền. Để có tiền, tôi từ một doanh nghiệp phải vay mượn tiền của tất cả anh em, bạn bè, người thân trong gia đình”.

Mua nhẫn kim cương, túi hàng hiệu tạo niềm tin

Còn đối với chị Minh, sau khi bị lừa hằng trăm tỷ đồng, chị mới nhận thấy mình là con mồi ngon của nhóm này. Bởi, công ty của có uy tín lâu năm trên thị trường, có thanh khoản tốt.

Nhớ lại thời điểm vay tín dụng đen để đầu tư đất, chị Minh kể: “Khi Hạnh thấy mình có tiềm năng thì rủ mình đi vào Sài Gòn mua đất. Trong lúc chưa bán được, thì Hạnh bảo đi vay ngân hàng để trả. Trong lúc chưa vay được ngân hàng, Hạnh giả bộ giới thiệu mình vay tín dụng đen. Cho nên từ 10 tỷ với lãi suất 5000 đồng/triệu/ngày không trả được trong mười ngày, cộng cả gốc cả lãi, sau 6 tháng cả gốc và lãi và bằng nhau. Đến bây giời cả gốc cả lãi lên đến 50 tỷ. Tôi không trả được gốc lãi thì những người đấy gây áp lực cho tôi bằng cách lên công ty ép sang nhượng phần trăm cổ phần và đánh đập người bên cạnh tôi cho tôi hoang mang về tinh thần”

Chị Minh cho biết thêm, để tạo niềm tin ban đầu, nhóm tín dụng đen này vô vùng thân thiện, mua nhẫn kim cương, túi hàng hiệu tặng chị. Thậm chí còn tìm cách giúp công ty thoát khỏi khó khăn bằng việc chỉ chỗ mua đất giá hời rồi còn cho vay tiền mua chính mảnh đất đó.

“Hạnh tiếp cận mình rất sâu sát. Lên trực tiếp công ty mình, ngồi cả kế toán rồi bàn cách làm ăn chung. Đến khi mua đất xong rồi thì là “tôi cho bà vay tiền để bà trả lãi ngân hàng rồi sau đó không liên quan gì nữa. Đến giờ tôi mới nghĩ mình là con mồi ngon nên người ta chăm sóc. Cả năm tôi không tập trung phát triển được hoạt động kinh doanh và nợ ngân hàng của tôi lên rất cao. Tất cả tiền lãi suất từ hoạt động kinh doanh đều chỉ tập trung vào đi trả lãi. Vì thế mà càng lúc doanh nghiệp càng lúc càng tụt lùi”- Chị Minh chia sẻ thêm.

Liên quan đến vụ việc này, Thượng tá Nguyễn Văn Bình cho biết, đây là một ổ nhóm hoạt động rất tinh vi, có tổ chức. Các đối tượng huy động các nguồn vốn lên đến vài nghìn tỷ, cũng đã cho doanh nghiệp vay đến 1600 tỷ. Có những bị hại năm 2018 vay gốc 40 tỷ, đến nay đã trả lãi lên đến100 tỷ. Khi đối tượng này bị bắt doanh nghiệp vẫn nợ đối tượng này 137 tỷ.

“Gần đây công an thành phố Hà Nội phát hiện những phương thức hoạt động mới tinh vi. Các đối tượng tín dụng đen này cấu kết cán bộ ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm sau đó làm giả sổ đi cầm cố để rút tiền của ngân hàng Đây là hoạt động mới vừa rồi đã khởi tố và bắt giữ mấy đối tượng”- Thượng tá Bình chia sẻ thêm.

Ngoài những biện pháp tiếp tục đấu tranh, triệt phá ổ nhóm tín dụng đen theo sự chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc công an thành phố HN, theo Thượng tá Bình giải pháp quan trọng nhất đó là UBND thành phố cần hạn chế cấp phép với những cửa hàng kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn phức tạp

Cùng với đó Bộ Công an đề nghị Quốc hội có sửa đổi về Luật, tăng nặng khung hình phạt đối với các đối tượng cho vay nặng lãi. Bởi, hiện nay khung hình phạt đối với tội này rất nhẹ, thấp. Trong khi đó, để bắt giữ và xử lý vụ này đòi hỏi cơ quan điều tra phải hết sức công phu và vất vả.

Thượng tá Bình cũng đề nghị người dân không nên tham gia đối với hoạt động tín dụng đen. Bởi, hoạt động này có rất nhiều hệ lụy, khi vay thì rất đơn giản nhưng khi không trả được các đối tượng cầm đầu nay cho các đối tượng nhiều tiền án tiền sự, cộm cán đến trấn áp. Ngân hàng nhà nước có chính sách cởi mở hơn đẻ người dân dễ tiếp cận, dễ vay vốn kinh doanh sản xuất./.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP