Ông Lưu Bình Nhưỡng. |
PV: Trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi có đề cập đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Theo ông, việc luật mở rộng và“quét” ra cả khối tư nhân sẽ giải quyết ngăn chặn được tình trạng tham nhũng?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Quan điểm cá nhân tôi không đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khối ngoài nhà nước. Bởi vì vấn đề tham nhũng là một chủ thể đặc biệt. Trong trường hợp này chúng ta phải phân biệt rất rõ tham nhũng và vi phạm pháp luật là 2 vấn đề khác nhau, không trùng khít lên nhau mà giao thoa với nhau.
Tôi lấy ví dụ một doanh nghiệp đi hối lộ cho 1 quan chức thì trong trường hợp này quan chức nhận hối lộ được coi là tham nhũng, còn doanh nghiệp đưa hối lộ chỉ phạm tội đưa hối lộ. Nhưng chúng ta lại có một mẫu số chung ở trong nhóm tội tham nhũng là tham ô, hối lộ đều thuộc tội tham nhũng.
Cho nên cần hết sức lưu ý câu chuyện này, và không nên đưa một mẫu số chung.Do đó chỗ này phải phân biệt rất rõ, từ đó cần phân biệt ra vì đó không phải là giải pháp tốt để “ôm tất cả vào”.
Ông nghĩ sao khi mở rộng đối tượng thì kê khai tài sản cũng phải mở rộng theo, và liệu chúng ta có kiểm soát được bản kê khai không?
- Kiểm soát tài sản đã có quy định riêng về kiểm soát tài sản. Như tôi đã phân tích ở trên, hành vi đưa hối lộ nó là đối tượng liên đới, liên quan đến tham nhũng chứ không phải tham nhũng. Phải hết sức lưu ý vấn đề này vì nó là 2 tội hoàn toàn khác nhau, một bên là đưa hối lộ, còn một bên là nhận hối lộ. Cho nên người nhận hối lộ là người tham nhũng, còn người đưa hối lộ không phải là tham nhũng mà chỉ là người đưa hối lộ. Cho nên theo tôi việc mở rộng cần hết sức cân nhắc là như vậy.
Một vấn đề được nhiều người nhắc đến trong phòng chống tham nhũng chính là kiểm soát quyền lực. Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa kiểm soát được quyền lực và nhiều doanh nghiệp vẫn phải “bôi trơn” thì mới xong việc?
- Chính vì câu chuyện “bôi trơn” của các doanh nghiệp cho nên sau 2 thập kỷ, nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã được ghi trịnh trọng trong Hiến pháp. Đó là nguyên tắc quyền lực là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp.
Như vậy, Quốc hội chịu sự giám sát của nhân dân đồng thời cũng chịu sự giám sát của Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Ngược lại, Chính phủ cũng là cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội và các cơ quan tư pháp; và các cơ quan tư pháp cũng chịu sự giám sát của Quốc hội và cơ quan Hành pháp. Tất cả đều chịu sự giám sát của nhân dân, của Đảng, các tổ chức đoàn thể xã hội.
Nếu chúng ta làm tốt hoạt động giám sát thì câu chuyện bôi trơn sẽ giảm bớt. Chỉ sợ nhất chúng ta không giám sát. Giám sát có nhiều hình thức: từ giám sát tối cao của Quốc hội; giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; giám sát của các đoàn ĐBQH, giám sát của các ĐBQH; giám sát của các cơ quan dân cử khác. Do đó theo tôi cần tăng cường sự giám sát của cá nhân đại biểu dân cử, đặc biệt là giám sát của ĐBQH.
Chính vì thế, cá nhân tôi đã đề nghị cần có chỉ tiêu giám sát của ĐBQH. Chúng ta phải tăng cường thêm các chủ thể giám sát để kiểm soát quyền lực.
Ý kiến của ông về việc chúng ta đã có các cơ chế giám sát nhưng tại sao đến nay lại chưa phát huy được hiệu quả?
- Giám sát chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đã chọn vấn đề đúng rồi nhưng quá trình tổ chức thực hiện giám sát của chúng ta chưa đến nơi đến chốn, hoặc năng lực của cơ quan giám sát chưa thực sự cao, chưa hiệu quả do nhiều yếu tố khác nhau.
Thứ hai, tham nhũng, lãng phí hay các hành vi vi phạm pháp luật rất tinh vi, càng ngày càng tinh vi trong khi năng lực của các cơ quan chưa đáp ứng để “thi đấu” với nó. Nó giỏi “võ” hơn nên vẫn che giấu, biến hình, và tàng hình được.
Đặc biệt trong thời buổi khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại họ lại sử dụng các phương tiện hiện đại, trong khi đó các cơ quan giám sát, đối tượng thực hiện chủ thể đi giám sát lại chưa có thể đảm bảo được năng lực cho nên hiệu quả đem lại chưa cao.
Bên cạnh đó, quá trình giám sát của ta chưa tận dụng được sức mạnh của toàn dân, chưa kết nối được sự phối hợp giữa chủ thể đi giám sát chính với những cơ quan tổ chức khác như: MTTQ Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia của báo chí.
Chúng ta phải biết kết nối, công khai minh bạch chứ không phải chờ đến lúc báo cáo giám sát xong mới công khai. Nghĩa là ngay trong quá trình giám sát đã phải tổ chức công khai, hoặc họp báo thường xuyên cũng là một cách thức để giám sát.
Có như vậy mới thay đổi và phát huy được vai trò của các cơ quan trong quá trình giám sát. Trong quá trình giám sát, cần tổ chức các cuộc họp báo để thông tin bước đầu, còn đến khi có kết quả cuối cùng thì họp báo công bố kết quả đó. Tôi nghĩ, làm được như vậy sẽ có những thay đổi lớn về kết quả và hiệu quả của giám sát.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: H.Vũ
Nguồn tin: daidoanket.vn