Trong nước

Tăng cường đối thoại tại nơi làm việc

Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giúp quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động gắn bó hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Ngày 9-1, UBND TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 điều 63 Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.

Từ năm 2013 đến nay, tại TP HCM, việc thành lập tổ chức Công đoàn (CĐ) cơ sở ngày càng tăng, năm 2013 có 13.770 doanh nghiệp (DN) thành lập CĐ, đến nay đã có hơn 17.045 DN thành lập CĐ cơ sở. Số DN xây dựng quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc ngày càng tăng. Năm 2013 chỉ có 3.569 DN/13.770 DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, đến nay đã có 12.209 DN/17.045 DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Nội dung đối thoại xung quanh một số vấn đề như: chính sách lương, thưởng, phụ cấp, BHXH, BHYT, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, chế độ làm việc, nghỉ ngơi…

đối thoại

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc

Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, đã có 11.125 DN/17.045 DN tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ). Thông qua hội nghị NLĐ, quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm, tính tổ chức kỷ luật của NLĐ trong lao động sản xuất được nâng cao, NLĐ tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua đạt chất lượng ngày càng cao. Qua đó, quan hệ giữa chủ DN với tập thể NLĐ được gắn bó hơn, công nhân lao động mạnh dạn tham gia góp ý, đề xuất ý kiến vào kế hoạch sản xuất - kinh doanh của DN, tham gia góp ý vào việc thực hiện các chính sách cho NLĐ, từ đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của DN ngày càng phát triển.

Bên cạnh hình thức đối thoại tại nơi làm việc, hội nghị NLĐ, các DN còn thực hiện các hình thức dân chủ như: cung cấp trao đổi thông tin trong các cuộc họp giao ban hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng giữa ban giám đốc, tổ trưởng, CĐ và NLĐ để thảo luận, giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh, tránh tích tụ mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động…

Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc đã bộc lộ một số điểm hạn chế như: một số DN không tổ chức hội nghị NLĐ ở cấp phân xưởng, DN tổ chức đối thoại 3 tháng/lần là quá ngắn…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với hệ thống LĐLĐ, Ban Quản lý các KCX và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao theo dõi nắm sát tình hình hoạt động của DN, có biện pháp đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn DN thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra DN thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, hướng dẫn theo dõi tình hình DN khắc phục các điểm hạn chế trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc... Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.

Dịp này, 28 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận bằng khen của UBND TP HCM.

Tác giả: Trường Hoàng

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: nơi làm việc , đối thoại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP